Chỉ với 4 triệu đồng, anh Trương Văn Thủy (47 tuổi, dân tộc Sán Dìu) đã chế tạo máy xẻ gỗ tương tự dòng máy nhập khẩu Hàn Quốc có giá thành từ 90-140 triệu mà tính năng, độ an toàn vẫn được đảm bảo.
Theo VnExpress, anh Trương Văn Thủy từ Thái Nguyên lên Bắc Kạn lập nghiệp được hơn 10 năm. Sau khi tự học hỏi, anh Thủy vay vốn ngân hàng mở xưởng mộc, đóng bàn ghế, giường tủ… dù trước đó chỉ làm ruộng, quanh quẩn với con trâu, cái cày.
Thời gian đầu mới mở, quy mô xưởng mộc còn nhỏ, sản phẩm làm ra chủ yếu dựa trên đơn đặt hàng của anh em, họ hàng và một số người dân địa phương. Với bàn tay khéo léo, chịu khó sáng tạo, các sản phẩm của anh nông dân làm ra ngày càng có tiếng và được nhiều khách tìm đến đặt hàng.
Khi làm nghề, thấy công xẻ gỗ, cưa, bào tốn nhiều thời gian, nhân công, lại không phẳng đẹp như mong muốn, anh Thủy đã nghĩ cách chế ra chiếc máy xẻ gỗ giúp công việc thuận lợi hơn.
Anh Thuỷ chia sẻ với Báo Bắc Kạn: “Muốn nâng cao năng suất lao động và khắc phục những nhược điểm, phải dùng máy bào thẳm được nhập vào Việt Nam. Nhưng giá thành cao từ 90-140 triệu đồng. Với các xưởng mộc nhỏ lẻ phải mất thời gian dài mới thu lại được vốn”.
Mất 4 tháng mày mò làm thử, cuối cùng anh cũng chế được chiếc máy “chẳng giống loại nào đang có trên thị trường”. Máy xẻ gỗ này được gắn mô tơ điện với hệ thống đường ray xây bằng gạch, đổ bê tông khối cố định. Máy cũng thiết kế các nấc điều chỉnh để người dùng có thể chọn dày, rộng tùy ý.
Những máy xẻ thông thường chỉ xẻ cây gỗ tròn ra thành phẩm thì máy anh Thủy chế tạo có thêm tính năng như dọc bào cái cửa, ken cái cửa, dạo cánh tủ, ghép ván, cắt độ chéo, dài tùy ý… Nếu xẻ gỗ bằng phương pháp truyền thống, người thợ mộc sẽ phải căng dây, bật mực cho thành một đường thẳng rồi cưa theo. Nhưng khi dùng máy này, chỉ cần đặt tấm gỗ lên, điều chỉnh nhẹ ray di chuyển, máy sẽ cắt thẳng tắp. Dù chiều dài có thể 3 m hoặc hơn vẫn thẳng tắp giống như đặt thước nhôm.
Anh Thủy cho biết thêm, chi phí để chế mỗi máy chỉ mất 4 triệu đồng nhưng năng suất lao động tăng. Hiện nay, mỗi ngày có thể sản xuất được 300 sản phẩm. Đặc biệt chất lượng nâng cao hơn và độ an toàn khi sử dụng cũng được đảm bảo. Doanh thu của xưởng mộc mỗi năm lên đến 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí anh thu lãi 300 triệu, thu nhập công nhân cũng ổn định ở mức 6 triệu đồng/tháng.
Anh nông dân này không có ý định đăng ký bản quyền và cũng không bán máy, mà muốn giúp bà con tự làm ra máy, phục vụ vào sản xuất theo mô hình mỗi nơi một sản phẩm.
“Tôi muốn xây dựng làng nghề mộc vì Bắc Kạn đất rộng người thưa, nguyên liệu dồi dào nhưng bà con chủ yếu bán gỗ thô. Bây giờ nếu có máy thì bà con có thể sản xuất hàng tinh, bán ra thị trường sẽ mang lại giá trị gia tăng cao hơn”, anh Thủy khẳng định.
Thế Tam (Tổng hợp)