Trong khi một số nền kinh tế châu Á đang phải vật lộn với khó khăn, Việt Nam vẫn mạnh mẽ tiến lên phía trước. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý III/2018 đạt gần 6,9%.
MoneyWeek – tạp chí chuyên ngành tài chính hàng đầu của Anh – mới đây đã có bài viết về những thành tựu kinh tế của Việt Nam với tiêu đề “Kinh tế Việt Nam tỏa sáng bất chấp sự u ám của châu Á”.
Mở đầu bài viết, tác giả Marina Gerner trích dẫn nhận định của chuyên gia Sri Jegarajah được đăng tải trên kênh CNBC (Mỹ) rằng Việt Nam vẫn đang tỏa sáng bất chấp các nước láng giềng Đông Nam Á gặp khó trước những rủi ro từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Căng thẳng thương mại leo thang giữa 2 nền kinh lớn nhất thế giới đã khiến các nhà sản xuất Trung Quốc có thêm động lực chuyển dịch hoạt động sản xuất của sang những địa điểm có chi phí rẻ hơn như Việt Nam. Tiền lương trong khu vực sản xuất chế tạo ở Việt Nam hiện thấp hơn 40% so với ở Trung Quốc. Điều này đang củng cố một xu hướng vốn đã giúp Việt Nam phát triển ngành chế biến, chế tạo trong những năm qua: các công ty nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế của chi phí sản xuất giá rẻ.
Nhờ những chính sách cải cách thị trường vào năm 1986, Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất châu Á.
Ban đầu, Việt Nam bị nhiều người lầm tưởng chỉ là một “bản sao giá rẻ” của Trung Quốc với lực lượng nhân công được đào tạo tốt, phù hợp để trở thành một trung tâm sản xuất chế tạo.
Thế nhưng, khi các khoản đầu tư nước ngoài tăng vọt và trình độ chuyên môn được nâng cao, ngành công nghiệp của Việt Nam đã tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Chuyên gia Eoin Treacy của tổ chức tài chính Fuller Money nhận định kinh tế Việt Nam được hưởng lợi nhờ chính quyền luôn mong muốn chuyển từ một thị trường mới nổi trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Hệ thống các quy định đối với sở hữu nước ngoài ở Việt Nam đã dần được tự do hóa.
Bên cạnh đó, Việt Nam là một quốc gia dân số trẻ với khoảng 70% trong số hơn 90 triệu người nằm trong độ tuổi từ 15-64. Nhờ cơ cấu dân số này, Việt Nam sẽ có một lực lượng lao động lớn cũng như có một nguồn khách tiêu dùng khổng lồ trong những năm tới.
Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam dự kiến tăng từ 12 triệu người trong năm 2012 lên tới 33 triệu người vào năm 2020. Đây được coi là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của thị trường bán lẻ Việt Nam. Năm 2017, doanh số bán lẻ của Việt Nam đã đạt mức kỷ lục 130 tỷ USD, tăng 10,9%.
Với những lợi thế trên, không quá ngạc nhiên khi Việt Nam thu hút được 17,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2017.
MoneyWeek cho rằng nếu Morgan Stanley Capital International (MSCI) nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên thị trường mới nổi, một dòng vốn FDI khoảng 10 tỷ USD có thể đổ vào Việt Nam – cao hơn hẳn so với mức trung bình của các thị trường mới nổi.
Vỹ An (Tổng hợp)