Một bảo tàng “lạ” từ tên gọi đến nội dung, nơi “sự thấu cảm” được trưng bày. Đến đây, khách tham quan không phải là ngắm hiện vật qua lớp kính bảo vệ, mà được “chạm” vào hiện vật để đến thấu hiểu hơn ý nghĩa của chúng.
Bảo tàng “lạ”
Lấy cảm hứng từ một chương trình văn hóa nổi tiếng ở London, tiếp nối thành công của những năm trước, năm nay, Bảo tàng Thấu cảm tiếp tục được tổ chức từ ngày 20/4 đến ngày 27/4.
Bảo tàng “lạ” bởi “hiện vật” ở đây không chỉ là đồ vật thông thường mà còn là những câu chuyện, những định mênh và góc khuất của vô vàn mảnh đời nhỏ bé với số phận éo le, đặc biệt. Thông qua những câu chuyện được kể một cách khéo léo, Bảo tàng mong muốn mỗi con người sẽ gạt bỏ sự phám xét, thêm cảm thông và thấu hiểu cho người khác.
Đến đây, mọi người cùng đọc, cùng lắng nghe và thấu hiểu cho vô vàn hoàn cảnh “bất hạnh”, góp phần lan tỏa sự yêu thương, cảm thông và sẻ chia đối với người khác. Thêm vào đó cũng truyền tải đến người xem thông điệp hãy sống hòa đồng, cởi mở hơn trong việc bày tỏ cảm xúc, bởi khi bạn muốn được ai đó thấu hiểu, trước hết cần mở lòng với họ và với chính bản thân mình.
Gạt bỏ phán xét để thấu cảm
Chúng ta thường “ném” những cái nhìn kỳ thị, khinh miệt và ruồng rẫy vào một cô gái “mại dâm”, một “con nghiện ma túy” hay lên án một người nào đó hành động tiêu cực vì tình yêu, vì áp lực mà không thực sự hiểu được đằng sau đó có thể chất chứa thật nhiều “bão bùng” và nỗi đau. Bảo tàng Thấu cảm giống như một triển lãm phơi bày những số phận, cuộc đời đó. Có thể là cuộc sống của một phụ nữ nào đó mắc phải căn bệnh ung thư, đang có một gia đình nhỏ hạnh phúc nhưng không thể đợi đến lúc nhìn thấy đứa con đầu tiên của mình lớn lên từng ngày, hay một mảnh số phận khác mặc bệnh ảo giác, bị cưỡng hiếp rồi sau đó làm nghề bán dâm, hay “con nghiện ma túy” ước muốn hoàn lương và được cuộc đời “chào đón”…
Sự phơi bày không phải để “tô” thêm màu sắc đen tối vào bức tranh cuộc sống, gieo thêm những cảm xúc tiêu cực vào lòng người, mà muốn khơi gợi lòng đồng cảm và chia sẻ nỗi bất hạnh trong mỗi con người chúng ta. Họ, những số phận bất hạnh, đã dũng cảm thổ lộ góc khuất của mình, đối diện với bản thân để những người xung quanh một lần thử gạt bỏ sự phán xét gắt gao mà thấu hiểu, giúp họ có thể hoàn thiện hơn.
TS. Đặng Hoàng Giang chia sẻ tới bạn đọc rằng thấu cảm là nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ. “Giống như cái lạnh thấu tủy hay cái đau thấu xương, thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được suy nghĩ của họ, cảm được cảm xúc của họ, tất cả xảy ra mà không có sự phán xét”.
Không có điều luật nào ngăn cấm và phán xét suy nghĩ và góc nhìn cuả một ai đó về người khác, nhưng sự thấu cảm dành cho những mảnh đời xung quanh lại là một phần giúp con người hoàn thiện tâm hồn và nhân cách. Đến với Bảo tàng Thấu cảm để trải nghiệm những góc khuất của cuộc sống và mở lòng hơn với chính bản thân mình.
Trang Anh