Sự việc xảy ra với các hiệp sĩ ở Tp.HCM khiến dư luận đặt câu hỏi về sự cần thiết trong việc bảo vệ các hiệp sĩ đường phố. Theo ông Lưu Bình Nhưỡng – đại biểu Quốc hội, các tổ chức hiệp sĩ Bình Dương đề xuất được công nhận nhiều năm rồi, tại sao Tp.HCM không làm theo.
Bình Dương “chuyên nghiệp” hóa các hiệp sĩ
Ở Bình Dương, các nhóm hiệp sĩ hoạt đông có tổ chức được chính quyền thừa nhận thông qua mô hình “Câu lạc bộ phòng chống tội phạm” (CLB), có quy chế hoạt động do Công an tỉnh ban hành. Hiệp sĩ khi tham gia CLB được huấn luyện bài bản về kỹ năng bắt tội phạm, kiến thức pháp luật cơ bản, phạm vi hoạt động và quyền hạn, trách nhiệm…
Mô hình “hiệp sĩ đường phố” Bình Dương xuất phát từ nhóm thanh niên nghĩa hiệp ở phường Phú Hòa (Tp. Thủ Dầu Một). Sau đó, lan rộng ra toàn tỉnh, hiện có 91/91 CLB phòng chống tội phạm tại các xã, phường. Trong đó, nhóm hiệp sĩ tại phường Phú Hòa hoạt động mạnh nhất, theo Tuổi Trẻ.
Hoạt động của hiệp sĩ Bình Dương chủ yếu là tham gia bắt quả tang các tội phạm như trộm, cướp, tội phạm truy nã. Các CLB này chia làm 2 đội: Đội tuyên truyền phổ biến pháp luật và đội xung kích phòng chống tội phạm. Trong đó, các hiệp sĩ săn bắt cướp trên đường là thành viên đội xung kích phòng chống tội phạm.
Trưởng công an phường là đội trưởng của đội xung kích trong CLB phòng chống tội phạm, đại diện các hiệp sĩ làm đội phó. Công an các cấp có trách nhiệm cùng với hiệp sĩ khi họ phát hiện, bắt được tội phạm.
UBND tỉnh Bình Dương có quy định về chế độ cho các thành viên CLB lúc truy bắt tội phạm gặp tai nạn, thương tích nặng hoặc tử vong. Các hiệp sĩ sẽ được hưởng chế độ, chính sách như người có công với cách mạng.
Các CLB này cũng được tỉnh Bình Dương cấp kinh phí hoạt động khoảng trên 9,1 tỷ đồng/năm bao gồm: tiền xăng xe đi tuần tra, văn phòng phẩm…
Ngoài ra, các thành viên CLB được trang bị gậy cao su, găng tay bắt dao… Khi bị nạn sau những vụ bắt trộm, cướp, có chế độ khen thưởng bằng tiền mặt, hỗ trợ, thăm hỏi. Hiệp sĩ ở một số CLB trên địa bàn trọng điểm còn được trang bị 11 xe mô tô hiệu Yamaha Exciter 150cc.
Hiệp sĩ Tp.HCM hoạt động tự phát, tự lo
Tp.HCM là địa bàn thường xuyên xảy ra trộm cướp trên đường phố. Hơn 10 năm qua, tại Tp. HCM người dân đã quen thuộc với hình ảnh các hiệp sĩ không ngại rong ruổi khắp ngõ phố để ngăn chặn hành vi trộm, cướp, bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân. Các nhóm hiệp sĩ này hoạt động mang tính tự giác, tự phát, chưa có cơ chế hoạt động như ở Bình Dương.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề của xã hội, cho rằng “hiệp sĩ đường phố” là mô hình đẹp, những người này luôn xả thân vì việc nghĩa, chẳng màng đến tính mạng mà không vụ lợi. Mô hình các tổ chức hiệp sĩ ra đời mang tính tự phát do nhu cầu tất yếu xã hội và cần nhân rộng, theo Zing.
Ông Nhưỡng cho rằng, các hiệp sĩ dám xả thân, không đòi hỏi gì, nhưng chúng ta không được phép bỏ rơi lòng tốt của họ và để lòng tốt trở nên đơn độc. Do đó, cơ quan chức năng phải có thể chế bảo vệ hiệp sĩ.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt ra câu hỏi: Mô hình hiệp sĩ Bình Dương quy mô nhỏ hơn mà họ vẫn làm được, sao Tp.HCM phòng chống tội phạm đòi hỏi cần phát động quần chúng tham gia, nhưng không làm được?
Hành động của các hiệp sĩ dễ liên tưởng đến lực lượng xung kích, thanh niên xung phong thời chiến. Họ cũng là những người tình nguyện bất chấp gian nguy để giành bình yên cho cộng đồng. Khi đó lực lượng xung kích cũng được ghi nhận hợp pháp và họ cũng có những trang bị, có chế độ nhất định.
Theo ông Nhưỡng, muốn người dân và các hiệp sĩ phòng chống tội phạm hiệu quả, bớt rủi ro, thì cơ quan chức năng cần có hướng dẫn, chia sẻ về các biện pháp nghiệp vụ cho họ. Không chỉ riêng Tp.HCM mà các địa phương khác thành lập tổ chức hiệp sĩ thì phải trang bị công cụ hỗ trợ cho họ sử dụng để đối phó với tội phạm có vũ khí. Nhà nước cũng cần có chế độ chính sách cho các hiệp sĩ nhằm động viên những hy sinh thầm lặng đó.
Đừng để Lục Văn Tiên đơn độc
Tại buổi họp báo gần đây, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an Tp. HCM, day dứt khi đến nay chưa có một mô hình hợp pháp cho các nhóm hiệp sĩ đường phố hoạt động. Vị này cho rằng, bắt giữ đối tượng phạm tội quả tang là trách nhiệm của mọi công dân. Do đó, không thể để họ đơn độc trước tội phạm ngày càng manh động.
Về việc trang bị vũ khí cho hiệp sĩ, Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hiệp sĩ cần có áo giáp bảo vệ, không thể tay không bắt giặc, nhất là khi các đối tượng có hung khí nguy hiểm. Do đó, các cơ quan chức năng cần tính toán xem thành phố có bao nhiêu anh em đang tham gia nhóm hiệp sĩ để có phương án trang bị áo giáp, theo Trí Thức Trẻ.
Thời đại càng phát triển, nhịp sống càng hối hả gấp gáp thì con người ta xem ra lại càng cần hơn sự ấm áp của tình người. Những Lục Văn Tiên thời hiện đại đang góp phần xóa bỏ bóng ma cái ác đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Song nếu có những chính sách rõ ràng thì sẽ còn nhiều người hùng lộ diện mà không lo bị trả thù và chắc chắn sẽ bớt đi lời than chúng ta đang vô cảm.
Câu lạc bộ phòng chống tội phạm Phú Hòa (Tp. Thủ Dầu Một) do hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải thành lập năm 1997. Đến nay, nhóm hiệp sĩ này đã phát hiện, bắt giữ trên 2.000 vụ phạm pháp giao cho công an xử lý, trong đó có rất nhiều vụ cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản… |
Tùng Anh