Với hành vi bạo hành cháu bé 10 tuổi của người bố đẻ và mẹ kế, luật sư cho rằng hai đối tượng trên sẽ bị kết tội hành hạ trẻ em hoặc cố ý gây thương tích và sẽ phải đối diện với mức án 3 năm tù giam.

Những ngày qua, vụ việc cháu bé 10 tuổi bị bố đẻ và mẹ kế bạo hành suốt gần 2 năm trời tại Hà Nội khiến dư luận vô cùng phẫn nộ và bức xúc. Nhiều người lên tiếng, mong muốn cơ quan chức năng phải xử lý thật nặng để răn đe các trường hợp khác, theo Thời Đại.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (văn phòng luật sư Nguyễn Anh, đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, việc đánh đập, ngược đãi cháu bé 10 tuổi trong gần 2 năm của 2 đối tượng trên là vô đạo đức và không thể chấp nhận được.

Vụ việc cháu bé 10 tuổi bị bố đẻ và mẹ kế bạo hành gần 2 năm đang gây phẫn nộ dư luận.

Theo Luật sư Thơm, trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Mọi hành vi xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em đều bị nghiêm cấm.

“Xét hành vi phạm tội của đối tượng thì thấy, trong suốt một thời gian dài ngay giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội đã có hành vi hành hạ, ngược đãi con đẻ của mình gây tổn hại rất lớn về sức khỏe, tâm lý của cháu bé.

Hành vi này không những vi phạm nghiêm trọng pháp luật mà còn gây bàng hoàng trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống đạo lý của gia đình và xã hội Việt Nam”, luật sư Thơm cho biết.

Ông Thơm cho biết thêm, đối tượng đã có dấu hiệu phạm 2 tội, đó là Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác và Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 104 và Điều 151 Bộ luật hình sự 1999.

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

Điều 151. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình

Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Để xử lý xem xét hành vi phạm tội của đối tượng thì cần căn cứ vào tính chất mức độ và hậu quả đã gây ra cho cháu bé. Nếu cháu bé bị người bố bạo hành thô bạo gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của cháu bé từ 11% trở lên sẽ bị xử lý tương ứng về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự 1999.

Cơ thể cháu bé 10 tuổi có nhiều vết thâm, sẹo do bị bạo hành trong thời gian dài.

Nếu tỷ lệ thương tật dưới 11% nhưng do phạm tội với trẻ em nên đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên để xử lý các đối tượng về Tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 thì người đại diện hợp pháp cho người Bị hại (mẹ đẻ cháu bé) cần thiết phải có đơn yêu cầu xử lý đối tượng theo quy định tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự 2003.

Nếu trong trường hợp, người đại diện hợp pháp cho người bị hại chưa thành niên không yêu cầu xử lý và không đưa cháu bé đi giám tỷ lệ thương tật thì các Cơ quan tố tụng hoàn toàn có thể xử lý đối tượng về Tội hành hạ con theo quy định tại Điều 151 Bộ luật hình sự 1999.”, ông Thơm phân tích.

Về người mẹ kế, sau khi bỏ trốn khỏi nơi ở, người này cũng đã trình diện CA, thừa nhận mọi hành vi của mình. Người này khai nhận, do cháu bé ăn vụng thịt bò nên đã cầm đũa vụt vào mặt cháu.

Theo ông Thơm, nếu cơ quan CA điều tra, làm rõ việc người phụ nữ này cũng có hành vi bạo hành, ngược đãi cháu bé khiến cháu bị thương tích thì người này là đồng phạm với ông bố đẻ.

Nếu công an làm rõ được hành vi ngược đãi của người mẹ kế gây thương tích cho cháu bé thì người này là đồng phạm với người bố đẻ của cháu bé. Khi đó cả hai sẽ bị truy tố về hành vi cố ý gây thương tích hoặc hành hạ trẻ em, tùy theo mức độ thương tích của nạn nhân“, ông Thơm cho biết.

Sau khi vụ việc xảy ra, nhiều người cho rằng, việc hành hạ cháu bé 10 tuổi của người bố là quá nhẫn tâm, cơ quan chức năng cần rút quyền nuôi con của người bố, để cháu bé cho mẹ đẻ nuôi dưỡng.

Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây: b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Về việc này, ông Thơm phân tích, khi ly hôn, người bố đã được Tòa án quyết định giao cháu bé nuôi dưỡng. Hiện nay, người bố đang bị xử lý về hành vi bạo hành cháu bé nên Cơ quan tố tụng có thể tạm thời giao cháu cho người mẹ đẻ nuôi dưỡng trong quá trình giải quyết vụ án.

Hiện tại, cháu bé đang được chăm sóc, sinh sống tại gia đình ông bà ngoại.

Sau khi có quyết định xử lý của các Cơ quan tố tụng, người mẹ có thể yêu cầu Tòa án nơi giải quyết việc ly hôn thay đổi quyền nuôi con theo Điều 84 Luật hôn nhân gia đình 2014.

Trước đó, tối ngày 5/12 cháu Trần Gia K. (10 tuổi) bất ngờ tìm về nhà ông bà nội ở ngõ 55 đường Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình để cầu cứu, vì bị bố và mẹ kế bạo hành dã man.

Khi bé K. về tới nơi, lúc đầu chính ông bà nội cũng không nhận ra cháu của mình. Bởi khoảng 2 năm nay, bé K. ở trọ riêng cùng bố và mẹ kế ở trong ngõ thuộc đường Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô.

Sau khi nhận ra cháu nội với nhiều thương tích trên người, người thân đã trình báo sự việc với cơ quan chức năng đồng thời đi kiểm tra sức khỏe và tâm lý cho cháu K.

Được biết, trước đây cháu K. nặng khoảng 40kg, song giờ chỉ còn 20kg. Qua kiểm tra sức khỏe ban đầu, trên cơ thể cháu K. có nhiều vết thương, xương sườn bị gãy và trên đầu bị rạn sọ não.

Theo lời kể của cháu K., gần 2 năm qua cháu không được đi học, thường xuyên phải làm việc nhà và hay bị đánh đập. Vì thế, ngày 5/12 nhân lúc sơ hở, cháu K. đã bỏ trốn khỏi nơi ở và về nhà ông bà nội để cầu cứu.

Ngày 6/12, CA quận Cầu Giấy đã ra quyết định tạm giữ hình sự người bố đẻ hành hạ cháu bé. Tại cơ quan CA, người đàn ông khai nhận, do con trai quá nghịch, đi vệ sinh xong cuộn vào giấy cất trong tủ, mẹ kế sắc thuốc uống thì cháu cho đất vào ấm thuốc.

Dù được nhắc nhở nhiều lần nhưng cháu bé vẫn tái diễn hành động tương tự khiến Nam bực tức đã đánh đập con trong thời gian dài khiến bé gãy xương sườn, rạn sọ não.

Khi được hỏi dùng gì để đánh đập con, Nam khai nhận nhiều lần lấy móc áo cuộn tròn thành một chiếc roi sắt để đánh đập con. Lúc đầu, Nam còn bắt con mình nằm úp mặt xuống đất rồi thẳng tay đánh đập khiến bé sợ hãi.

Đến chiều 7/12, người mẹ kế bạo hành cháu bé cũng đã ra trình diện CA, thừa nhận mọi hành vi của mình. Người phụ nữ này khai, do cháu ăn vụng thịt bò nên đã cầm đũa vụt vào mặt cháu.

 

Khôi Minh