Trung bình mỗi năm, số bệnh nhân đến điều trị tại bệnh viện Ung Bướu, TP HCM tăng khoảng 10%. Mặc dù ngành y tế đã có nhiều tiến bộ giúp phát hiện, điều trị sớm, nhưng hiện ung thư đang trở thành gánh nặng của cả xã hội.
Thông tin về số bệnh nhân tăng ở mức “giật mình” trên được TS. BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu, TP HCM cho biết trong Hội thảo phòng chống ung thư (từ 29/11 đến 2/12/2017 tại TPHCM), theo Dân trí.
“Bóng ma” ám ảnh cả cộng đồng
Tại Việt Nam, số ca bệnh về các loại bệnh ung thư từ năm 2000 đến nay đang tăng “chóng mặt”. Nếu năm 2000, cả nước chỉ có khoảng 68.000 người mắc ung thư được ghi nhận thì đến năm 2010, số ca bệnh ung thư đã lên tới 126.000 người. Dự báo tới năm 2020, số người mắc ung thư tại Việt Nam sẽ lên tới 200.000 người.
Ngoài các rối loạn nội tiết, tổn thương có tính di truyền trong cơ thể mỗi người, sự gia tăng của căn bệnh ung thư là tổng hòa của các yếu tố do điều kiện ngoại cảnh tác động liên quan đến môi trường ô nhiễm, thực phẩm nhiễm nhiều hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng… hoặc chính con người tự mang họa đến cho mình bởi lối sống thiếu khoa học với các thói quen, tật xấu như hút thuốc, uống rượu, chế độ dinh dưỡng không an toàn, hợp lý, quan hệ tình dục không an toàn…
Kết quả thống kê trên 120.000 người mắc ung thư tại TP HCM cho thấy, độ tuổi trung bình của người bệnh mắc ung thư là 55, trẻ hơn nhiều so với các nước phát triển (khoảng 60 tuổi). Các ung thư hàng đầu thường gặp ở nam giới là phổi, gan, đại trực tràng, miệng – hầu, dạ dày; ở nữ là ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, mức độ ung thư tại TP HCM tăng từ 8,8% đến 9,9% so với 5% của những năm trước đó. Với số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị gia tăng 10% mỗi năm, dù Bệnh viện Ung Bướu, TPHCM đã thực hiện các giải pháp xây dựng khoa bệnh vệ tinh, phối hợp công tư nhưng cơ sở chính tại quận Bình Thạnh vẫn rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng.
Gần 2 thập niên đầu của thế kỷ XXI, lĩnh vực y học đã có nhiều tiến bộ trong việc tầm soát, phát hiện sớm ung thư nhưng số ca bệnh được phát hiện điều trị sớm chưa theo kịp sự gia tăng của căn bệnh này (vẫn còn 40% bệnh nhân nhập viện khi đã ở giai đoạn muộn).
Ung thư hiện đang là “bóng ma” ám ảnh cả cộng đồng, với những khoản chi phí điều trị rất tốn kém do thuốc đặc trị đắt tiền, nhiều loại thuốc nằm ngoài danh mục bảo hiểm nên phần lớn người mắc bệnh ung thư bất kể già trẻ gia đình đều rơi vào cảnh khánh kiệt.
Ăn cho lành, uống cho sạch
GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khẳng định, 40% ca bệnh ung thư có thể phòng ngừa. GS Hùng khuyến cáo cộng đồng cần chủ động bảo vệ bản thân bằng chế độ “ăn cho lành, uống cho sạch”.
Cụ thể, trong ăn uống cần ưu tiên cho dinh dưỡng thực vật gồm các loại rau, trái tươi, hột, củ, đậu nguyên trạng. Thực vật nên chiếm phân nửa hoặc hai phần ba bữa ăn, bởi thực phẩm này chứa ít chất béo nhiều chất xơ và nhiều chất kháng ung thư. Phần còn lại dành cho cá, thịt, trứng và thức ăn từ sữa. Rau trái có màu đậm, sáng, tỏi, gừng, bột cà ri là các gia vị có khả năng kháng oxi hóa phòng tránh ung thư tốt.
Uống nước cho đủ, bởi nước kích hoạt miễn dịch, đưa chất dinh dưỡng khắp cơ thể, rửa sạch chất độc, tránh các loại giải khát có đường. Thịt rất cần cho cơ thể nhưng dùng nhiều thịt không phải thức ăn lành, bởi thịt chứa nhiều chất béo gây ung, chế biến sai như quá nóng, quá cháy khét còn mang thêm các chất sinh ung.
Khuyến cáo: Nên dùng cá, thịt gà nhiều hơn các loại thịt đỏ như bò, heo, cừu. Chọn chất béo lành, tránh mỡ trong thịt đỏ; dùng dầu thực vật, bớt ăn các thức ăn như hun khói, muối mặn, làm dưa. Không thuốc lá, hạn chế rượu bia, ít sử dụng thức ăn chứa nhiều chất béo; chú ý ngủ sớm, ngủ đủ giấc, tăng cường vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày sẽ giúp hạn chế nguy cơ mắc ung thư cho cơ thể.
Thế Tam