Theo tỷ phú Cherng, một người muốn thành công trong kinh doanh cần phải giữ vững thái độ lạc quan và tinh thần ham học hỏi.
Andrew Cherng sinh ra tại Dương Châu, Trung Quốc trong một gia đình có cha là đầu bếp. Tuy nhiên, ông không làm việc trong lĩnh vực nhà hàng từ đầu mà tới Mỹ để học toán và tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân toán ứng dụng của trường Đại học Missouri.
Bằng ý chí mạnh mẽ, cá tính độc lập của bản thân cùng sự giúp đỡ từ người bạn đời, Andrew Cherng đã phát triển Panda Express từ một nhà hàng đồ ăn Trung Hoa nhỏ ở California thành một chuỗi nhà hàng lớn mạnh trên khắp nước Mỹ.
Câu chuyện thành công của Andrew Cherng
Mùa hè năm 1967, Cherng đến làm bồi bàn cho một nhà hàng Trung Quốc ở thành phố Brooklyn để kiếm tiền trang trải học phí. Tại đây, ông nhận ra năng lực điều hành nhà hàng của mình. Ông cũng nhận ra rằng người Mỹ vô cùng yêu thích đồ ăn Trung Hoa.
Cherng tiếp tục làm thêm tại các nhà hàng Trung Quốc một vài năm nữa. Năm 1973, sau khi gia đình ông đoàn tụ tại Mỹ, Cherng nhận ra rằng xung quanh ông là những đầu bếp cừ khôi. Cha ông vốn là bếp trưởng, mẹ ông là một người quản lý nhà bếp giỏi, còn bản thân ông lại có kỹ năng điều hành nhà hàng tích lũy qua năm tháng.
Cherng mang hết số tiền dành dụm, một khoản vay ngân hàng 20.000 USD và một khoản vay 10.000 USD khác từ một người bạn cũ để mở cửa hàng thức ăn Trung Hoa đầu tiên của mình.
Tuy nhiên, nhà hàng mới không nhanh chóng thành công như Cherng mong đợi. Nguyên nhân là bởi nó không có gì đặc biệt so với những nhà hàng Trung Hoa mọc lên như nấm xung quanh.
Đơn giản hóa thực đơn và thêm vào những món ăn Trung Hoa phổ biến
Dần dần, bằng cách đơn giản hóa thực đơn và thêm vào những món ăn Trung Hoa phổ biến nhất tại Mỹ thời bấy giờ với giá chỉ bằng 60% giá thông thường, nhà hàng Panda bắt đầu trở nên nổi tiếng.
Cherng bù lại doanh thu bằng cách tính tiền phần cơm hoặc những món phụ mà khách hàng yêu cầu. Đến năm 1977, nhà hàng Panda đã đông chật khách xếp hàng gọi món cho bữa trưa và bữa tối.
Cherng mở nhà hàng Panda thứ hai và thứ ba vào năm 1982. Đây là lúc ông cho nhóm họp các đầu bếp của mình và yêu cầu họ thống nhất về quy trình và thành phần các món ăn. Từ những buổi họp như vậy, công thức cho những món ăn nổi tiếng nhất của Panda Express ra đời.
Mở rộng chuỗi nhà hàng từ từ nhưng vững chắc
Cherng mở thêm hai nhà hàng vào năm 1985, ba nhà hàng vào năm 1986, và ba nhà hàng nữa vào năm sau đó. Đến năm 1992, ông đã có 97 nhà hàng với doanh thu tăng 33%/năm.
Cherng cũng thay đổi nội thất nhà hàng và thêm vào những phần trang trí nhiều màu sắc mang phong cách châu Á. Kế hoạch của Cherng là đến năm 2015, nâng tổng số nhà hàng tại Mỹ lên con số 2.300.
Peggy, vợ của Cherng, là người đảm nhiệm phần hậu cần và kỹ thuật của chuỗi nhà hàng. Cherng là con người của những viễn cảnh, còn Peggy thực tế hơn, bà là người có công lớn trong việc đồng bộ hóa từ công thức món ăn đến thiết kế nhà bếp của chuỗi cửa hàng. Cần phải biết rằng đồng bộ hóa là việc vô cùng quan trọng nếu một nhà hàng thức ăn nhanh muốn mở rộng quy mô.
Peggy cũng có công lớn trong việc tin học hóa các nhà hàng Panda Express. Bà chính thức làm việc tại Panda từ năm 1982. Đây là lúc Panda bắt đầu quá trình mở rộng nhanh chóng.
Tự tay viết phần mềm quản lý
Vốn là một kỹ sư tên lửa, Peggy triển khai tại Panda Express một hệ thống theo dõi lượng nguyên liệu còn trong kho để tự động đặt hàng thêm khi cần thiết. Bà cũng tự tay viết phần mềm quản lý có tên Panda Automated Work Station (PAWS) mà ngày nay mọi cửa hàng thuộc hệ thống đều sử dụng.
PAWS cho phép theo dõi toàn bộ quá trình bán hàng, lượng nguyên liệu tồn kho và xu hướng tiêu thụ của khách hàng trong toàn hệ thống. Panda Express là nhà hàng Trung Hoa duy nhất tại Mỹ sử dụng máy tính để quản lý hệ thống.
Tập trung vào yếu tố phát triển con người
Cherng chưa bao giờ hối tiếc vì đã dành nhiều thời gian cho các chương trình phát triển nhân cách của nhân viên công ty.
“Trước năm 2003, tôi tập trung vào công việc kinh doanh nhiều hơn là yếu tố con người. Nhưng hiện tại, mọi thứ đã thay đổi. Nếu một ai đó muốn trở thành quản lý tại Panda, người đó buộc phải cam kết sẽ giữ vững thái độ lạc quan và tinh thần ham học hỏi”, Cherng chia sẻ.
Mối quan tâm của Cherng đối với vấn đề phát triển con người xuất phát từ mong muốn của cá nhân ông. Ông luôn muốn giữ cho bản thân hoạt bát và năng suất, nhất là khi Panda Express đang phát triển mạnh mẽ.
Để vươn tới những mục tiêu mới, ông tin rằng Panda Express cần có “dịch vụ tốt hơn, quản lý tốt hơn và môi trường tốt hơn” – và tất cả những điều này đều đòi hỏi yếu tố con người.
Yếu tố con người lại được cải thiện cùng những chương trình phát triển nhân cách của ông. “Lợi nhuận sau đầu tư là một chuyện. Trước tiên, đối với tôi, phát triển nhân cách nghĩa là đóng góp cho cộng đồng” – Cherng cho biết.
Vợ chồng ông Cherng hiện nằm trong top 250 người giàu nhất tại Mỹ. Riêng bà Peggy Cherng là nữ tỷ phú tự thân giàu thứ 11 tại nước này.
Quang Minh