Bộ Công Thương cho rằng tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên kịch trần từ đầu năm 2019 sẽ ảnh hưởng tới điều hành lạm phát.
Theo Vnexpress, tại phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá sáng ngày 28/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã đưa ra đề xuất thay đổi thời gian áp dụng biểu thuế bảo vệ môi trường mới với xăng dầu vừa được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua.
Ông Hải cho rằng thời điểm tăng thuế rơi vào tháng Chạp và tháng Giêng sẽ đẩy giá xăng dầu tăng theo, từ đó tác động tới điều hành CPI cả năm 2019. Do đó, lãnh đạo Bộ Công Thương kiến nghị tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu vào thời điểm khác thích hợp.
Đây không phải lần đầu tiên Bộ Công Thương nêu lo ngại về thời điểm tăng thuế môi trường với xăng. Trước đó, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo giá hồi tháng 7, cũng chính ông Hải đã đề nghị chưa tăng ngay thuế bảo vệ môi trường với loại nhiên liệu này.
Theo nghị quyết mới được thông qua, từ 1/1/2019, thuế môi trường với xăng sẽ tăng từ 3.000 đồng/lít lên kịch khung 4.000 đồng/lít; dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn và mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, còn dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức kịch khung 1.000 đồng/lít.
Trong báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ, tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu sẽ tác động không lớn đến CPI cả năm 2019, chỉ ở mức 0,07-0,09%.
Bên cạnh đó, đại diện Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính cho biết thuế môi trường dành cho xăng E5 sẽ chỉ tăng tới mức 3.850 đồng/lít thay vì mức 4.000 đồng/lít như các loại xăng khác.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đang thực hiện hướng dẫn việc hoàn lại 2% thuế tiêu thụ đặc biệt của xăng E5 RON 92 (dự kiến khoảng 700 tỷ đồng) cho các doanh nghiệp nhập khẩu, khuyến khích việc sản xuất, phân phối và tiêu thụ loại xăng sinh học này.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ gây ra những tác hại khó lường.
Chia sẻ trên VOV, TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng xăng dầu là mặt hàng quan trọng, là đầu vào và đầu ra của rất nhiều ngành. Những năm vừa qua, Việt Nam kiểm soát được lạm phát cũng một phần nhờ giá xăng dầu giảm xuống.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng các đánh giá về tác động của tăng giá xăng dầu mới là thông tin một chiều từ Bộ Tài chính, chưa có cơ quan độc lập khảo sát, đối chiếu khó tạo sự thuyết phục.
Còn theo TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển, trong bối cảnh hiện nay, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn rất yếu, nếu đánh thuế môi trường cao sẽ tác động đến sự cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc tăng thuế môi trường với xăng dầu cũng ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Hiện thu nhập bình quân của người dân Việt Nam đã ở ngưỡng trung bình, nhưng vẫn là mức trung bình thấp của thế giới. Quyết định tăng thuế trong khi mức sống của người dân còn thấp là điều không nên.
“Giải pháp tăng thuế lúc đầu sẽ giúp ngân sách bớt căng thẳng nhưng về lâu dài những tác hại của nó rất khó lường. Gánh nặng thuế phí tăng cao làm tăng giá cả, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam mới phục hồi, nếu đồng loạt tăng thuế sẽ tạo thành “cú sốc” cho doanh nghiệp và người dân”, ông Đào khuyến cáo.
(Tổng hợp)