Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị Sabeco khẩn trương nộp vào ngân sách số tiền gần 2.500 tỷ đồng là lợi nhuận từ năm 2016 trở về trước mà Kiểm toán đã chỉ ra, đồng thời yêu cầu Bộ Công Thương, Sabeco báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài chính trước ngày 30/4.
Theo Bộ Tài chính, luật Kiểm toán Nhà nước 2015 quy định báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện với đơn vị vi phạm trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Ngoài ra, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước là căn cứ để Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức, cơ quan khác sử dụng trong quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Trên cơ sở này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo người đại diện vốn Nhà nước tại Tổng công ty Cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) khẩn trương nộp vào ngân sách số thuế và các khoản phải nộp khác đã nêu tại kiến nghị báo cáo kiểm toán.
Cơ quan này cũng yêu cầu Bộ Công Thương, Sabeco báo cáo kết quả thực hiện về Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) trước ngày 30/4.
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã có văn bản gửi Bộ Công thương, thông báo kết luận báo cáo kiểm toán tình hình tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn Nhà nước năm 2016 của Sabeco với nhiều đề nghị làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có vi phạm.
Một trong những nội dung nổi bật được Kiểm toán Nhà nước nêu trong thông báo này là việc chia cổ tức để nộp ngân sách Nhà nước trước khi thoái vốn. Cụ thể, theo kết quả kiểm toán, lợi nhuận sau phân phối tại ngày 31/12/2016 của Sabeco là hơn 2.800 tỷ đồng. Công ty mẹ đã phân phối tiếp gần 76 tỷ đồng lợi nhuận của năm 2016 vào quý 1/2017. Lợi nhuận còn lại của Sabeco các năm từ 2016 trở về trước hơn 2.700 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị nộp ngân sách Nhà nước gần 2.500 tỷ đồng lợi nhuận còn lại từ năm 2016 trở về trước, tương ứng tỷ lệ vốn Nhà nước của Sabeco tại thời điểm ngày 31/12/2016 là 89,59%.
Ngoài ra, trong báo cáo, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ Công thương xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân tại Bộ này trong việc không chia hết lợi nhuận của năm 2016 trở về trước, gây thất thu ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, việc thoái vốn tại Công ty CP đầu tư Sabeco Pearl có dấu hiệu làm giảm đáng kể giá trị tài sản được định giá.
Liên quan đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Sabeco ngày 3/4 đã gửi công văn kiến nghị Kiểm toán Nhà nước xem xét lại kết quả kiểm toán do cơ quan này ban hành.
Trong kiến nghị của mình, Sabeco cho rằng công ty “không có cơ sở để thực hiện ngay, mà phải chốt danh sách cổ đông theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014”.
Cụ thể, tại thời điểm ngày 18/12/2017, sau khi bán 53,59% vốn cho VietBev, một công ty con của tập đoàn ThaiBev của Thái Lan, tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại Sabeco vào thời điểm ngày 28/12/2017 chỉ còn 36,0024%.
Do vậy, Sabeco cho rằng việc phân chia hết lợi nhuận đến ngày 31/12/2017 cho cổ đông nhà nước với tỷ lệ 89,59% theo kết luận của kiểm toán “là không có cơ sở thực hiện”.
Nguyễn Trang