Đa số tài xế vẫn còn e ngại về chất lượng E5 khi thời điểm toàn bộ xăng A92 ngừng bán và được thay tế bằng xăng sinh học E5 tới gần. Nhiều người dự định sẽ mua xăng A95 thay thế.
Từ 1/1/2018, xăng RON92 sẽ chính thức bị khai tử, biến mất khỏi thị trường. Thay vào đó, thị trường còn 2 loại xăng là xăng E5 và xăng RON 95, theo Zing.
Tài xế e ngại
Anh Công Tuấn (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, anh thường chọn mua xăng A92 cho chiếc Toyota Innova của mình vì tính ổn định, giá rẻ hơn so với xăng A95, cũng như sự phổ biến của nó. “Xăng A92 mình đổ nhiều năm nay, thấy xe chạy ổn định, bền máy và có bán ở tất cả các cây xăng lớn nhỏ”, anh Tuấn chia sẻ.
“Mình cũng có lần đổ thử xăng A95, thấy xe chạy ‘bốc’ hơn nhưng không đáng kể nên lại quay về dùng xăng A92. Xăng A95 phần vì đắt hơn, phần vì không dễ mua như A92. Còn xăng E5 mình chưa đổ thử, vì nghe nhiều thông tin loại xăng này có thể gây cháy, gây hỏng động cơ”, anh Tuấn cho biết thêm.
Cũng giống anh Tuấn, rất nhiều tài xế ôtô chưa đủ tin tưởng vào chất lượng E5, dù loại xăng sinh học này sẽ thay thế hoàn toàn xăng A92 từ 1/1/2018. Thực tế, gần như lượng xăng E5 bán ra từ các doanh nghiệp chưa được ghi nhận tăng trưởng nhiều.
Tháng 8/2017, tại TP. HCM, thời điểm lượng tiêu thụ xăng E5 chỉ ở mức 8.053 m3/tháng, chiếm 6,2% tổng sản lượng xăng tiêu thụ. Mức này còn thấp hơn thời điểm tháng 10/2016.
Mới đây, Sở Công Thương TP. HCM thông tin, trên địa bàn TP. HCM có 240/533 cửa hàng xăng dầu tham gia phân phối xăng sinh học E5, thấp hơn so với 282 cửa hàng một năm trước đó. Thậm chí, một số doanh nghiệp đã có văn bản đề nghị cơ quan này tạm ngừng kinh doanh xăng E5 do sản lượng bán ra rất thấp và mức chiết khấu không cao, không bù đắp được chi phí hoạt động của cửa hàng.
Sự khác biệt của xăng E5
Theo nhiều tài xế, về bản chất, xăng E5 là xăng pha cồn nên có những ưu điểm và nhược điểm riêng khi đem so sánh với xăng A95, A92.
Anh Quân, chủ nhân một chiếc Mazda BT-50 tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng nói, bản thân chưa sử dụng xăng E5 đủ lâu để đánh giá về tính ổn định, cũng như khả năng gây cháy. Tuy nhiên, nhiều người bạn của anh đã cảnh báo về việc xăng E5 có thể gây cháy xe.
“Mình đã sử dụng cả ba loại xăng là A92, A95 và E5, thấy xăng E5 và A92 không có nhiều khác biệt khi vận hành. Khi sử dụng xăng E5, mình nhận thấy xe cất trong nhà ít bị mùi xăng tỏa ra như xăng A92. Tuy nhiên, E5 lại có nhược điểm là nếu để xe lâu, xăng bắt đầu tách lớp, lớp xăng và lớp cồn không còn hòa đều”, anh Quân cho hay.
Cũng chính vì thông tin này, nhiều tài xế nhất quyết nói không với xăng sinh học E5, dù xăng A92 có bị loại bỏ hoàn toàn.
Anh H. Việt (Thanh Xuân, Hà Nội), chủ xe Huyndai Grand I10 khẳng định: “Nếu bỏ xăng A92, tôi chỉ mong các cây xăng sẽ bán xăng A95 nhiều hơn”.
Một chủ xe khác cũng chia sẻ “cứ A95 mà đổ, vừa bốc máy vừa an toàn đảm bảo”.
Còn theo anh L. Mạnh (Thanh Xuân, Hà Nội), anh không hài lòng với xăng E5 vì theo cảm nhận của bản thân, “xe có cảm giác yếu đi, vượt xe khác khó hơn so với khi đổ A92 hay A95”.
“Chỉ pha thêm 5% cồn sinh học, bản chất xăng E5 vẫn là xăng nên tôi nghĩ nếu lấy lý do bảo vệ môi trường để chuyển sang sử dụng xăng E5 thì chưa thực sự hợp lý”, anh Mạnh cho hay.
Tuy nhiên, cũng rất nhiều lái xe lại cho rằng xăng E5 không hề khác nhiều so với xăng A92.
Anh T. Vương (Hà Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, chiếc Ford Ecosport của anh đổ xăng E5 vẫn hoạt động bình thường như khi sử dụng xăng A92. “Vừa rẻ hơn A95 lại vừa bảo vệ môi trường, mình nghĩ không lý do gì không đổ xăng E5. Về tin đồn E5 gây cháy xe, mình nghĩ là không có cơ sở. Nếu gây cháy xe thật thì ai dám bán cho người tiêu dùng”, anh Vương nói.
Cũng theo anh Vương, nhiều bạn bè của anh đang sử dụng xăng E5 đều cho rằng, loại xăng này giúp máy “bốc” hơn, chạy thoát máy, xe không bị nóng và chưa xảy ra trục trặc nào liên quan đến xăng.
“Tôi chạy từ thời xăng A83, A85 pha chì đủ kiểu còn không lo, lo gì xăng E5”, một tài xế khác gần đó nói.
Lãnh đạo PVOil lý giải, việc E5 vẫn chưa thuyết phục được người dùng bởi một phần là công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, chưa sâu, chưa rộng, chưa thông tin để người tiêu dùng hiểu rằng xăng E5 không tác hại đến động cơ. Ngoài ra, chênh lệch về giá giữa E5 và các loại xăng khác cũng khiến E5 chưa thực sự hấp dẫn người dùng.
Tổng giám đốc PVOil Cao Hoài Dương tự tin rằng, cùng với chính sách quyết liệt của nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền và đặc biệt có sự chênh lệch về giá, người dân sẽ tự giác mua xăng E5.
Từ 1/1/2018, cả nước sẽ chính thức dừng cung cấp xăng RON 92 để thay thế bằng xăng E5.
Theo tính toán, xăng E5 tiêu thụ trên cả nước trong năm 2016 khoảng 590.000m3, chiếm 8% so với tổng lượng xăng tiêu thụ trên thị trường. Còn xăng RON 92 chiếm khoảng 4.767 triệu m3, tương đương 70% so với tổng lượng xăng khoáng.
Thế Tam