Cho vay nặng lãi núp dưới mô hình cho vay ngang hàng (P2P lending) đang được quảng cáo rầm rộ trên mạng. Đi kèm với những lời quảng cáo hấp dẫn như giải ngân nhanh, thủ tục đơn giản là mức lãi suất “cắt cổ” lên đến 720%/năm.
Thời gian gần đây, hàng loạt website tại Việt Nam đang cung cấp dịch vụ cho vay trực tuyến. Dạo qua một vòng các trang web cho vay tiền nhanh như doctordong, ATMonline, vaytieudung, SHA… đều có những lời quảng cáo “đường mật” như cho vay siêu nhanh, thủ tục đơn giản.
Theo đó, người vay chỉ cần có chứng minh nhân dân và tài sản cầm cố là chiếc điện thoại sẽ đủ điều kiện vay. Về việc thanh toán, khách sẽ trả vào cuối kỳ tại bất kỳ điểm giao dịch nào của đối tác.
Chia sẻ trên Vnexpress, chị Thu ở quận Thủ Đức (Tp.HCM) cho biết do đang cần gấp khoản tiền vài triệu đồng nên đã vào trang web doctordong để vay tiền nhanh. Chị được quảng cáo vay số tiền 2,5 triệu đồng trong thời gian tối đa 30 ngày cùng mức lãi suất áp dụng là 39%/tháng. Như vậy, sau 1 tháng, chị Thu phải thanh toán tổng số tiền 3,48 triệu đồng, trong đó chi phí vay là 980.000 đồng.
Tuy nhiên, theo chị Thu, sau khi làm xong thủ tục vay, lãi suất thực tế không phải là 39%/tháng như quảng cáo ban đầu, mà bên công ty cho vay sẽ thu phí quản lý khoản vay 2%/ngày, tức 60%/tháng và 720%/năm. Trong khi đó, trang web doctordong cho biết họ là đơn vị trung gian kết nối người vay và cho vay miễn phí nên không thu tiền.
Anh Tống ở quận Phú Nhuận cũng vay trực tuyến trên một website với số tiền 1,5 triệu đồng. Thay vì đóng lãi suất 19,9%/năm cho công ty cho vay như quảng cáo, anh Tống cũng phải đóng phí quản lý khoản vay 2%/ngày, tức 60%/tháng. Sau 10 ngày tất toán, anh Tống phải trả tổng số tiền 1,8 triệu đồng, trong đó có 1,5 triệu tiền gốc và 300.000 đồng tiền phí vay.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, bản chất cho vay trực tuyến là loại hình cho vay ngang hàng vốn phổ biến tại một số quốc gia phát triển và có hành lang pháp lý rõ ràng. Về nguyên tắc, loại hình này luôn có một doanh nghiệp làm trung gian cung cấp công nghệ kết nối người cho vay và người vay. Bên cho vay và bên vay sẽ tự thỏa thuận lãi suất, doanh nghiệp trung gian chỉ thu phí dịch vụ.
Ưu điểm của loại hình này là cho vay số tiền từ rất nhỏ đến lớn. Thời gian giải quyết rất nhanh, chỉ vài phút nên đáp ứng được nhu cầu cần tiền gấp của nhiều người.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, loại hình này chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để kiểm soát và quản lý, cũng như chưa được pháp luật công nhận, nên chuyên gia Hiếu cho rằng bên cho vay có thể là những người lừa đảo, xã hội đen núp bóng dưới danh nghĩa đơn vị cho vay. Khi đó, họ tự ý biến tướng lãi suất bằng nhiều loại phí dịch vụ nhằm lách các quy định về lãi suất.
Thực tế, nhiều công ty cho vay trực tuyến không tính lãi theo lãi suất công bố mà chỉ thu phí quản lý khoản vay, như những trường hợp trên là thu 2%/ngày (tức 60%/tháng, 720%/tháng). Bằng cách này, các doanh nghiệp cho vay trực tuyến đã né quy định của Luật Dân sự 2015 về lãi suất cho vay không quá 20%/năm và quy định lãi suất không quá 100%/năm của Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Chia sẻ trên tờ Lao động, luật sư Trương Thanh Đức thuộc Công ty luật Basico cho rằng rủi ro lớn nhất của mô hình cho vay ngang hàng là lãi suất cao và nếu không trả nợ đúng hạn sẽ chịu sức ép lớn khi bị đòi nợ. Nếu các công ty cho vay ngang hàng chỉ đơn giản là môi giới, kết nối giữa người vay và người cho vay, khi xảy ra rắc rối, trách nhiệm hoàn toàn do hai bên tự giải quyết.
Trong trường hợp các công ty cho vay ngang hàng tổ chức huy động vốn cho vay thì sẽ vi phạm quy định cho vay của các tổ chức tín dụng. Theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng mới được huy động và cho vay vốn. Vì vậy, khi tranh chấp xảy ra, cả người đi vay và người cho vay đều không nhận được sự bảo vệ của pháp luật.
Theo luật sư Đức, mô hình này nhiều rủi ro, không nên khuyến khích nhân rộng ở Việt Nam khi chưa có hành lang pháp lý.
(Tổng hợp)