Phòng GD&ĐT Trực Ninh xác nhận sự việc hai cô giáo Trường Mầm non B Trực Đại (Nam Định) nhốt bé trai 4 tuổi tại phòng riêng, buộc dây vào áo và cột lên cửa sổ do cháu bị tăng động rồi đánh bạn. Hiện, các cô đã tạm nghỉ dạy để làm kiểm điểm.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, mạng xã hội đang lan truyền hình ảnh một bé trai 4 tuổi học tại Mầm non B Trực Đại (huyện Trực Ninh, Nam Định) bị nhốt vào phòng riêng, thui thủi một mình, không thể chạy đi đâu được do cổ áo phía sau gáy bị buộc dây và cột vào khung cửa sổ.
Bé trai trong hình chính là N.T.P. (4 tuổi) đang trú tại xã Trực Đại, huyện Trực Ninh.
Bà N.T.H. (bà nội của P.) cho biết, hình ảnh cháu bị nhốt ở phòng học và buộc dây được một phụ huynh có con theo học trong trường nhìn thấy đã quay clip và chụp ảnh lại.
Cũng theo bà H., cháu P. có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi bố mất sớm, mẹ sau khi sinh bị trầm cảm và bỏ đi, bà phải chăm sóc cháu từ khi mới lọt lòng.
Ngoài ra, P. còn bị chậm phát triển trí tuệ nên đã 4 tuổi mà chưa biết nói, thi thoảng còn bị tăng động, chạy nhảy lung tung. Tuy nhiên, cháu không hư và biết nghe lời.
Đến chiều 29/11, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Trực Ninh đã làm việc với nhà trường để xác minh thông tin.
Ngày 30/11, thông tin trên Báo Lao Động, phía Phòng GD&ĐT thừa nhận sự việc cô giáo buộc cháu P. vào khung cửa phòng học do em bị câm, điếc, tăng động, có chứng nhận của Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại trường, P. hay chạy nhảy lung tung, đánh bạn.
Theo Phòng GD&ĐT, hành động của hai cô giáo là sai, nhưng không có ác ý. Bên cạnh đó, cô giáo chỉ buộc dây vào cổ áo cháu bé chứ không có chuyện treo lên cửa sổ, hay buộc dây vào cổ cháu như một số thông tin.
Hai giáo viên dạy lớp 4 tuổi buộc dây vào người cháu P. và cột vào cửa sổ – đã viết bản tường trình.
Ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho biết, lúc P. tăng động quá, cô giáo buộc vào như vậy, vừa để an toàn cho cháu và các bạn. Tuy nhiên, cách làm của cô là thiếu kinh nghiệm với trẻ khuyết tật, xử lý phản cảm.
Hiện Phòng GD&ĐT huyện đã quyết định cho hai cô giáo tạm nghỉ để xem xét lại hành vi và đưa ra hình thức xử lý.
Quang Minh (Tổng hợp)