Mặc dù còn khoảng một tuần nữa mới vào chính vụ vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), nhiều thương nhân Trung Quốc đã có mặt ở huyện Lục Ngạn cả tuần nay để chuẩn bị các mối hàng thu mua vải thiều.
Những ngày đầu tháng 6, dù chưa vào chính vụ vải nhưng con đường ngang qua huyện Lục Ngạn ngập tràn sắc đỏ, xe chở vải tắc nghẽn cả đường.
Theo thống kê của huyện Lục Ngạn, hiện đã có khoảng 100 thương nhân Trung Quốc có mặt ở Lục Ngạn để sẵn sàng thu mua vải và đến chính vụ sẽ có khoảng 400 thương nhân có mặt tại Việt Nam để trực tiếp mua vải cho bà con.
Chia sẻ trên VOV, ông Khương Hội Thông, đại diện Công ty TNHH Nông sản Nông Mỹ Hồng (ở Hà Nam, Trung Quốc), cho biết ông đã có mặt ở Lục Ngạn cả tuần nay để chuẩn bị các mối hàng thu mua vải thiều.
Theo ông Thông, ông đã về Lục Ngạn mua vải gần chục năm. Tại Trung Quốc cũng có vùng trồng vải nhưng chất lượng không tốt và sản lượng thấp. Trong khi đó, quả vải Việt Nam rất được người dân đại lục ưa chuộng vì cùi dày, hạt nhỏ, màu sắc đẹp và ăn ngon. Hiện công ty của ông là đầu mối nhập vải thiều Lục Ngạn cho 57 siêu thị ở khắp Trung Quốc.
Ngoài ra, ông Thông cho biết thêm vải thiều Lục Ngạn khi qua cửa khẩu sẽ được cơ quan kiểm tra chất lượng, các lô hàng vải thiều đều phải có tem truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, với vải thiều được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, đơn vị nhập khẩu rất yên tâm về chất lượng, giá bán vải thiều Việt Nam tại các siêu thị Trung Quốc khoảng 60.000 đồng/kg.
Thương nhân Trung Quốc này ước tính, khi vào chính vụ, công ty của ông sẽ thu mua khoảng 250 tấn vải thiều mỗi ngày. Siêu thị mà công ty cung cấp xa nhất là ở Tân Cương (Trung Quốc), cách Việt Nam hơn 7.000 km.
Theo ông Thông, đối với thị trường hơn 1 tỷ dân của Trung Quốc, sản lượng vải thiều có tăng lên cũng sẽ tiêu thụ được hết, vấn đề chỉ là chất lượng.
Ông Giáp Văn Triệu, Giám đốc Công ty TNHH Triệu Biển (huyện Lục Ngạn), cho biết tiêu thụ vải thiều ở Lục Ngạn khoảng 3 năm trở lại đây vào thị trường Trung Quốc tăng trưởng rất tốt. Mỗi vụ vải thiều công ty của ông tiêu thụ từ 7.000-8.000 tấn vải. Những năm gần đây, việc thu mua vải của thương nhân Trung Quốc cũng đã thay đổi khi họ trực tiếp thu mua tại địa phương với số lượng lớn chứ không mua nhỏ lẻ ở biên giới như trước đây.
Huyện Lục Ngạn hiện có gần 15.300 ha vải thiều, trong đó 11.000 ha vải được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và trên 200 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Những ngày gần đây trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn vải thiều Bắc Giang khó tiêu thụ, bị thương lái ép giá khiến người trồng bức xúc đổ bỏ xuống sông. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, đã bác bỏ tin đồn và khẳng định không có chuyện vải thiều Lục Ngạn mất giá phải đổ bỏ.
Khảo sát tại các điểm thu mua vải ở khu vực phố Kim, xã Phượng Sơn và thôn Lim, xã Giáp Sơn (huyện Lục Ngạn) cho thấy giá vải u hồng loại 1 hiện vẫn có giá từ 14.000-20.000 đồng/kg, loại 2 từ 12.000-14.000 đồng/kg, loại 3 từ 9.000-12.000 đồng/kg. Đây chưa phải là loại vải thiều chính vụ. Đối với vải thiều được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP thì một tuần nữa mới thu hoạch, giá khoảng 20.000-25.000 đồng/kg.
Ông Vũ Văn Quynh (thôn Lim, xã Giáp Sơn) là một trong những hộ trồng vải lớn tại Lục Ngạn cũng cho biết vải thiều Lục Ngạn chưa vào vụ thu hoạch nên không thể có hiện tượng được mùa mất giá. Trong khi đó, vải đầu mùa chủ yếu là vải chất lượng không cao, vì thế giá bán có rẻ hơn so với vải thiều nhưng vẫn tiêu thụ tốt.
Trên một số tuyến đường ở Hà Nội như Nguyễn Xiển, đường Láng, Khương Trung… những ngày qua, vải được đổ đống, bán trên vỉa hè hay trong các xe tải. Theo Tiền Phong, chỉ tính riêng tại đường Láng chưa đầy 500 mét đã có đến 7-8 xe bán vải với giá khoảng 20.000 đồng/kg. Nhiều thương lái khẳng định đây là vải thiều ở Bắc Giang, do được mùa nên giá rẻ hơn mọi năm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn chưa vào mùa vải thiều. Chị Hoài, thương lái bán vải tại chợ Ngã Tư Sở, khẳng định vải đầu mùa đang được chị bán với giá từ 10.000-20.000 đồng/kg. Đây là loại vải sớm được cắt tại vườn ở Hải Dương, Hưng Yên chứ không phải là loại vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang). Sở dĩ nhiều điểm bán quảng cáo là vải Bắc Giang, Thanh Hà để dễ tiêu thụ. |
Nguyễn Trang