Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, năm 2017 ngoài kênh gửi tiết kiệm ngân hàng, hai kênh đầu tư được nhà đầu tư quan tâm là chứng khoán và bất động sản. Kinh tế Việt Nam trong năm 2018 được dự báo là có nhiều thuận lợi hơn.
Nhà đầu tư bất động sản tiếp tục có một năm khá thành công, không thua kém năm 2016. Trong đó, phân khúc như đất nền vùng ven, đất nền dự án, nhà phố nội đô có mức tăng tốt từ 10-40%. Căn hộ bình dân, trung cấp tiêu thụ tốt, với mức giá tương đương hoặc có tăng hơn năm 2016.
Riêng phân khúc căn hộ cao cấp bắt đầu có dấu hiệu đuối sức, khi nhà đầu tư thứ cấp bán ra nhiều, khiến xuất hiện tình trạng dư cung, giảm giá.
Năm 2017 cũng đánh dấu một năm thành công lớn của kênh đầu tư chứng khoán, với mức tăng của VN-Index đạt 48%, cao hơn hẳn các kênh đầu tư khác và vượt trội so với thị trường chứng khoán các nước khu vực. Điều này không chỉ đem lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư, mà còn thu hút nguồn vốn nước ngoài đưa vào Việt Nam.
Trong năm 2017, do tỷ giá USD bình ổn và lạm phát thấp ở mức 3,5%, người gửi ngân hàng tiếp tục đạt thực lãi. Lãi suất kỳ hạn 1 năm dao động trong khoản 6,5-7% sau khi trừ lạm phát, người gửi đã đạt thực lãi 3-3,5%.
Trong khi đó, 2 kênh được xem là nơi trú ẩn an toàn nhất là vàng và USD lại có một năm thất vọng. Nhà đầu tư nắm giữ vàng SJC chỉ có mức tăng giá là 0,49%, còn người giữ USD còn thua kém hơn, với mức chênh lệch tỷ giá cuối năm 2017 so với đầu năm là âm 0,2%.
Theo Ts. Đinh Thế Hiển, kinh tế Việt Nam trong năm 2018 được dự đoán là có nhiều thuận lợi hơn 2017, với các mảng đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu tiếp tục phát triển, nợ xấu ngân hàng được xử lý khá tốt, kinh tế nội địa có nhiều lợi thế từ hiệu ứng xuất khẩu khu vực nông nghiệp. Điều này tiếp tục tạo động lực cho thị trường chứng khoán tăng trưởng.
Bên cạnh đó, sẽ xuất hiệu nhiều công ty tăng vốn, tìm cách niêm yết để hưởng lợi từ thị trường sẽ làm gia tăng nguồn cung.
Tóm lại, thị trường sẽ hút vốn nhiều và tiếp tục xu thế tăng điểm, nhưng sẽ có những biến động tăng giảm giá khá mạnh ở các cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn. Đặt biệt, những cổ phiếu thiếu nền tảng hoạt động sản xuất, kinh doanh và chất lượng sản phẩm sẽ bị rớt giá do mức giá đã được đẩy lên khá cao trong năm 2017.
Những doanh nghiệp lớn, hoạt động sản xuất, kinh doanh vững chắc tiếp tục là cổ phiếu được các quỹ đầu tư chọn lựa với nguồn vốn huy động mới từ nước ngoài.
Thị trường bất động sản vẫn đạt mức tiêu thụ, nhưng giá sẽ ổn định. Theo nhận định trong năm 2018, thị trường bất động sản sẽ khó suy giảm do nhu cầu đầu tư vẫn lớn và xuất hiện vốn ngoại đầu tư phát triển dự án.
Tuy nhiên, do nguồn cung vẫn tăng khá mạnh, nên có một số khu vực và phân khúc sản phẩm sẽ bị dư. Cụ thể, căn hộ cao cấp với nguồn cung lớn trong các năm 2016–2017, nhưng nhu cầu thuê không tương xứng sẽ có khả năng bị giảm giá. Bên cạnh đó các căn hộ bình dân, trung cấp, mặc dù vẫn có nhu cầu ổn định, nhưng sẽ có sự cạnh tranh giữa các dự án về chất lượng sản phẩm và khuyến mãi. Đất nền vùng ven ở những khu vực hạ tầng kết nối tốt và các khu vực kinh tế đang được đầu tư phát triển vẫn thu hút các nhà đầu tư trung – dài hạn.
Tiền gửi ngân hàng vẫn sẽ khá ổn định. Năm 2018 có nhiều áp lực để giảm lãi suất huy động, nhưng do cơ cấu vốn của nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào ngân hàng, nên lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm sẽ khó giảm xuống dưới 6,5%.
Trong khi đó, CPI năm 2018 dự kiến tiếp tục ổn định sẽ giúp cho nhà đầu tư chọn kênh gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn đạt mức thực dương.
Vàng và USD sẽ ổn định như năm 2017. Vàng SJC sẽ biến động theo giá vàng thế giới, còn đồng USD sẽ có xu thế tăng, khiến giá vàng thế giới chững lại.
Trong khi đó, dự kiến năm 2018, Việt Nam tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu và xuất siêu, dự trữ ngoại tệ tiếp tục dồi dào, do vậy tỷ giá USD dự kiến sẽ không tăng nhiều.
Quang Minh