Đại Kỷ Nguyên

Các nhà đài trên thế giới kiếm tiền từ bản quyền World Cup thế nào?

Đài truyền hình Việt Nam (VTV) khẳng định vụ mua bản quyền truyền hình World Cup 2018 có thể sẽ khiến họ chịu lỗ lớn, nên nhà đài sẽ không chấp nhận mua bằng mọi giá. Trong khi đó, bản quyền World Cup là công cụ giúp nhiều nhà đài trên thế giới “hái ra tiền”.

Từ lâu, doanh thu từ bản quyền truyền thông đã “qua mặt” cả doanh số bán vé và trở thành nguồn thu chính đối với các nhà tổ chức World Cup.

Thông qua một số doanh nghiệp, FIFA bán bản quyền phát sóng sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh cho các hãng truyền thông trên khắp thế giới. Theo Business Insider, năm 2014, FIFA thu về khoảng 2,4 tỷ USD từ việc bán quyền phát sóng World Cup diễn ra ở Brazil.

Không chỉ riêng FIFA, các nhà đài trên thế giới cũng kiếm bộn nhờ bản quyền World Cup.

Có nhiều cách để giúp các nhà đài khai thác lợi nhuận từ bản quyền World Cup.

Phương pháp thu hồi vốn và sinh lời cổ điển nhất của các nhà đài chính là bán quảng cáo. Theo trang Guardian, tại World Cup 2014, kênh truyền hình ITV phát sóng giải World Cup tại Anh đã chào mức giá 500.000 USD đối với 30 giây quảng cáo phát sóng trong thời gian diễn ra các trận đấu của giải.

Con số này lớn hơn cả chi phí phát quảng cáo trong chung kết X-Factor 2013. So với cùng kỳ tháng 6/2013, doanh thu từ quảng cáo truyền hình tháng 6/2014 của Anh tăng 10%.

Tại Ấn Độ, 10 giây quảng cáo trong thời gian diễn ra World Cup 2014 đáng giá gần 60.000 USD.

Trong khi đó, tại Brazil, 8 doanh nghiệp lớn quyết định chi 600 triệu USD để mua quảng cáo trên kênh truyền hình Globo trong thời gian diễn ra World Cup 2014. Ngoài việc phát sóng đủ 64 trận đấu, đài truyền hình này còn mở một loạt chương trình ăn theo World Cup nhằm tăng doanh thu.

Tại Mỹ, tuy không có số liệu chính thức về chi phí quảng cáo trên truyền hình, song theo Bloomberg, con số này không hề khiêm tốn. Các chuyên gia trong ngành quảng cáo đánh giá World Cup là cơ hội vàng để các doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng hơn bất cứ một sự kiện nào khác.

Năm nay, do đội bóng Mỹ không tham gia vòng chung kết World Cup 2018, kênh truyền hình Fox Sports phát sóng World Cup tại Mỹ có thể chịu thiệt hại 10-20 triệu USD về mặt quảng cáo.

Tại Việt Nam, vào thời điểm diễn ra World Cup 2014 ở Brazil, bản quyền truyền hình nằm trong tay VTV với mức giá chi trả khoảng 7 triệu USD. Khi đó, nhà đài đã đưa ra báo giá quảng cáo cao kỷ lục xuyên suốt 64 trận đấu của giải này.

Theo Nhịp sống kinh tế, bảng giá quảng cáo do Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình (TVAd, thuộc VTV) khi đó công bố với mỗi 30 giây quảng cáo trong thời gian diễn ra các trận tại vòng loại của World Cup 2014 có giá dao động từ 150-180 triệu đồng.

Bắt đầu từ vòng 1/8, giá quảng cáo đã tăng mạnh lên con số lần lượt là 200 triệu đồng đến 250 triệu đồng. Ở các trận tứ kết, bán kết và tranh giải ba, chi phí cho 30 giây xuất hiện trên truyền hình vào thời điểm phát sóng World Cup mà các doanh nghiệp phải bỏ ra là 250 triệu đồng đến 300 triệu đồng.

Đặc biệt, trận chung kết tổ chức ngày 13/7/2014 đã tạo nên kỷ lục cho giá quảng cáo của VTV khi doanh nghiệp phải trả khoảng 270 triệu đồng cho mỗi 15 giây quảng cáo, và 350 triệu đồng cho 30 giây.

Ngoài bán quảng cáo trước, trong và ngay sau trận đấu, các chương trình đồng hành với World Cup cũng có khung phát sóng quảng cáo. Theo đó, mức giá thấp nhất được áp dụng là 20 triệu đồng, mức cao nhất lên tới 245 triệu đồng cho chương trình bình luận chung kết.

Ngay trong năm 2014, phía VTV từng khẳng định khó có thể cân đối được thu chi trong một giải đấu lớn và kéo dài tới hơn 1 tháng như World Cup. Tương tự, năm nay, bài toán về cân đối nguồn tiền cũng khiến VTV tỏ ra không mấy mặn mà với việc mua bản quyền World Cup 2018 bởi mức giá mà đối tác đưa ra lên tới 14 triệu USD, gấp đôi so với số tiền mà nhà đài bỏ ra mua năm 2014.

Dân trí ngày 6/6 dẫn lời ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng Ban thư ký biên tập VTV, cho biết: “Ở các giải bóng đá lớn trên thế giới như Euro và World Cup, VTV mua bản quyền đều không bù được chi phí bỏ ra. Lỗ khoảng 40-50%. Giải năm nay chúng tôi ước tính với con số giá được chấp nhận từ phía đối tác thì chúng tôi sẽ lỗ 90%”.

Sự không mấy mặn mà của nhà đài khiến người hâm mộ Việt Nam đang vô cùng lo lắng, đổ đi tìm kiếm những giải pháp khác để theo dõi được các trận đấu bắt đầu từ ngày 14/6 tới đây. Cụ thể, nhiều người chọn mua các tour du lịch giá rẻ sang quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia để xem ké World Cup hay lùng mua các bộ đầu thu, bộ kích Wifi… để xem “lậu” các trận đấu được mượt mà hơn.

Chia sẻ trên Người lao động ngày 7/6, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng VTV cần linh động, hài hòa cân đối các nhiệm vụ kinh tế và chia sẻ quyền lợi với người dân.

Theo chuyên gia này, VTV cơ quan tuyên truyền của nhà nước và được nhà nước cấp các nguồn ưu đãi nhất định. Tất nhiên, bản thân VTV cũng phải tự cân đối hoạt động kinh doanh để bảo đảm nguồn thu sự nghiệp. Vì vậy, nên chăng tính toán nguồn thu sự nghiệp để san sẻ với người hâm mộ bóng đá, nhất là ở một đất nước cuồng nhiệt bóng đá như Việt Nam.

“VTV phải tự thu tự chi, lỗ của họ không ai gánh hộ. Do đó, không phải mua bản quyền bằng mọi giá để rồi bị ép giá. Song, VTV cũng phải đáp ứng được nhu cầu văn hóa của nhân dân trong một sự kiện lớn được mong chờ của thế giới”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.

Nguyễn Trang

Exit mobile version