Đại Kỷ Nguyên

Cam, quýt miền Tây lại ‘rớt giá’ và câu chuyện muôn thuở của nông sản Việt

Giá các loại trái cây có múi tại miền Tây đang bị "rớt" thảm hại

Theo thông tin từ các nhà vườn tại Đồng bằng sông Cửu Long, liên tục những ngày gần đây, các loại trái cây như cam xoàn, cam sành, cam dây, quýt đường… bỗng nhiên “rớt giá”.

Chia sẻ với phóng viên báo Thanh niên, ông Lâm Văn Sáu (tại xã Tân Thành, Huyện Lai Vung, Đồng Tháp) cho biết thời gian qua giá quýt đường bán tại vườn luôn từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, gần đây giảm một nửa chỉ còn 12.000 đồng/kg.

Chị Đặng Thị Bích Liên (xã Vĩnh Thới, Huyện Lai Vung) cũng chia sẻ: “Không chỉ riêng quýt đường, các loại cam trước đây vốn đắt giá như cam xoàn và cam dây cũng rớt thảm hại tới hơn một nửa.”

Hiện giá cam dây thu mua tại vườn chỉ có 11.000 đồng/kg, cam xoàn khá hơn một chút nhưng cũng chỉ khoảng 22.000 đồng/kg.

Lý giải nguyên nhân giảm giá, nhiều thương lái tại đây cho hay, trước kia cam dây và cam xoàn chủ yếu được bán sang Campuchia và thị trường nội địa. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường xuất sang Campuchia bị chững lại dẫn đến việc tiêu thụ hoa quả không khả quan, giá giảm.

Một nguyên nhân khác khiến giá cam quýt mất giá là do hiện tượng mở rộng quá nhanh, quá nhiều diện tích cây có múi tại địa phương dẫn đến tình trạng sản lượng tăng và giá giảm.

Tình trạng phát triển “nóng” cây trồng dẫn tới tình trạng diện tích, sản lượng tăng quá nhanh nhưng giá giảm là hiện tượng không còn quá mới mẻ tại Việt Nam.

Cứ thỉnh thoảng người dân cả nước lại được dịp xôn xao khi có một loại nông sản nào đó cần được “giải cứu”. Nào là dưa hấu, chuối, bí đỏ, gừng … nhưng sau mỗi dịp “giải cứu” đó, dường như chẳng có địa phương nào rút ra được bài học kinh nghiệm cho mình.

Gần đây nhất là tình trạng trồng chanh đào một cách tràn lan tại các tỉnh phía bắc cũng khiến loại quả này mất giá, nếu như các năm trước, giá chanh đào trên địa bàn Hà Nội thường ở mức từ 25.000 – 40.000 đồng/kg, thì năm nay giá chanh đào giảm xuống chỉ còn chưa tới 10.000 đồng/kg, nhưng chẳng mấy ai mua.

Để tình trạng được mùa, mất giá không còn diễn ra, thiết nghĩ các cơ quan chức năng tại địa phương cần thực hiện tốt việc quy hoạch vùng nguyên liệu, tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch diễn ra như trong khoảng thời gian gần đây.

Bên cạnh đó cũng cần có bàn tay doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra bền vững cho nông sản cũng như nâng cao năng lực dự trữ, chế biến của nông sản Việt.

Thu Nguyễn

Exit mobile version