Sau hàng loạt các vụ tiền tiết kiệm “khủng” trong tài khoản khách hàng bỗng dưng bốc hơi, rất nhiều khách hàng tỏ ra lo ngại về việc làm thế nào để giảm thiểu và phòng ngừa được những rủi ro khi giao dịch với ngân hàng.
Lo ngại trên xuất phát từ một số vụ việc xảy ra tại các ngân hàng liên quan tới rủi ro tiền gửi tiết kiệm “không cánh mà bay” trong thời gian qua.
Tiêu biểu nhất là vụ việc tại Eximbank khi Phó giám đốc chi nhánh TP.HCM Lê Nguyễn Hưng rút 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm của một khách hàng lớn rồi bỏ trốn.
Tiếp đến là vụ việc tại BIDV khi ông Phạm Thế Long – nguyên giám đốc phòng giao dịch D2 Giảng Võ (Hà Nội) của Ngân hàng thương mại Đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh Tây Hồ – chiếm đoạt 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm của khách hàng,
Một vụ nghiêm trọng khác xảy ra tại Oceanbank khi 3 cán bộ ngân hàng (gồm Trần Thị Kim Chi – nguyên giám đốc chi nhánh, Nguyễn Thị Minh Huệ – nguyên trưởng phòng kế toán kho quỹ, Lê Vương Hoàng – nguyên kiểm soát viên kế toán) đã cấu kết lừa đảo 17 khách hàng mở sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 400 tỷ đồng, nhưng số tiền này không có trong ngân hàng.
Các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng nhận định rằng đây là lỗ hổng về rủi ro, dấy lên hồi chuông cảnh báo về đạo đức của cán bộ ngân hàng và trong việc xử lý an toàn, quản lý rủi ro hoạt động của các ngân hàng thương mại, ngay cả khi các nhà băng đã áp dụng nhiều tầng giám sát và quản lý, áp dụng nhiều công nghệ hỗ trợ.
Bên cạnh đó, để các vụ việc rủi ro trên có thể phát sinh một phần cũng do sự bất cẩn của khách hàng với chính tài sản của mình. Nhiều khách hàng, đặc biệt là các khách hàng VIP, không muốn nhiều người biết thông tin về số tiền trong tài khoản của mình nên thường chỉ giao dịch với 1 hay 2 nhân viên ngân hàng mà mình tin tưởng lâu năm. Thông thường, các khách hàng VIP sẽ được chăm sóc tận tình, được hỗ trợ tận nơi và nhận được nhiều ưu đãi trong thời gian dài, do vậy họ đặt sự tin tưởng và lơ là cảnh giác trước một số cán bộ ngân hàng, tạo sơ hở và điều kiện cho những đối tượng này lợi dụng và thực hiện các hành vi gian lận.
Cùng với đó, ý thức về rủi ro chưa cao, nên nhiều khách hàng đã vô tư ký khống chứng từ, không trực tiếp đến trụ sở ngân hàng giao dịch hay đưa tiền và nhờ cán bộ ngân hàng nộp tiền hộ.
Để chủ động phòng ngừa rủi ro của chính bản thân, các chuyên gia quản lý rủi ro đã đưa ra một số lời khuyên giúp khách hàng nâng cao nhận thức để bảo vệ tài sản cá nhân khi giao dịch với ngân hàng:
- Có ý thức cẩn trọng trong giao dịch với ngân hàng, nhận thức về các rủi ro mình có thể gặp phải, không đặt sự tin tưởng vào 1 hoặc 2 cán bộ ngân hàng dù đã giao dịch lâu năm;
- Nên trực tiếp tới quầy/trụ sở của ngân hàng để giao dịch;
- Không ký khống (ký sẵn) trên chứng từ/ biểu mẫu hoặc giấy trắng không có thông tin;
- Gạch chéo/gạch bỏ các sản phẩm/dịch vụ không đăng ký trên mẫu biểu/chứng từ của ngân hàng;
- Không nên nhờ người khác, đặc biệt là nhân viên ngân hàng nộp hộ tiền vào tài khoản;
- Không đứng tên mở hộ tài khoản cho người khác tại ngân hàng, làm thẻ ghi nợ/ thẻ quốc tế và các dịch vụ ngân hàng điện tử để cho người khác sử dụng;
- Sử dụng dịch vụ truy vấn/tra cứu theo dõi biến động giao dịch/số dư tài khoản như SMS Banking, Internet Banking;
- Sử dụng sản phẩm “Thông báo đáo hạn sổ tiết kiệm” hoặc truy vấn thông tin qua tổng đài chăm sóc khách hàng 24/7 để chủ động quản lý và kiểm soát được số dư tài khoản tiền gửi/tiết kiệm và các giao dịch với ngân hàng.
Tuệ Minh