Các ngân hàng thương mại tại Việt Nam gần đây ngày càng ghi nhận nhiều trường hợp khách hàng bị lừa đảo qua mạng xã hội bằng nhiều chiêu thức lừa đảo khác nhau do sự chủ quan, thiếu hiểu biết, cả tin của người sử dụng. Do đó, người dân cần tăng cường cảnh giác để tránh bị rơi vào bẫy lừa đảo tinh vi của tội phạm.

Theo thông tin từ phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, những thủ đoạn lừa đảo thông qua mạng internet, điện thoại thường tập trung ở một số hình thức như:

  • Giả mạo cán bộ ngân hàng gọi điện/nhắn tin cho khách hàng thông báo khách hàng có khoản tiền chuyển nhầm đến tài khoản/chuyển cho chính khách hàng vì đã trúng thưởng và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tên đăng nhập, mật khẩu dịch vụ “Ngân hàng điện tử” để nhận tiền hoặc nhận khuyến mại/quà tặng/trúng thưởng…
  • Giả mạo công an gọi điện cho khách hàng thông báo khách hàng có liên quan đến một vụ án, yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào một số tài khoản do họ cung cấp để phục vụ điều tra, khi nào xác minh không liên quan sẽ trả lại…
  • Giả mạo thông báo tài khoản dịch vụ “Ngân hàng điện tử” của khách hàng bị xâm nhập trái phép hoặc sắp hết hiệu lực và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân để xác nhận lại thông qua 1 đường link độc hại mà nhóm tội phạm công nghệ cao thiết lập. Nếu khách hàng click vào đường link đó, các thông tin tài khoản/mật khẩu/thông tin thẻ của khách hàng sẽ bị chiếm đoạt và nhóm tội phạm có thể lấy cắp tiền của khách hàng dễ dàng.
  • Giả mạo người thân, bạn bè để nhờ mở hộ tài khoản ngân hàng nhưng đăng ký giao dịch theo số điện thoại do đối tượng cung cấp. Sau khi có tài khoản, các đối tượng sẽ yêu cầu người nhà chuyển tiền vào tài khoản đó, rồi sử dụng các dịch vụ Internet Banking hoặc Mobile Banking để rút tiền.
  • Giả mạo người thân gửi tin nhắn qua mạng xã hội thông báo có tiền chuyển từ nước ngoài về hoặc cần sự hỗ trợ về tài chính và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật cá nhân để nhận tiền.
  • Giả mạo người thân gửi tin nhắn qua mạng xã hội cần sự hỗ trợ về tài chính, đề nghị vay tiền gấp và yêu cầu khách hàng thực hiện chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng mà đối tượng cung cấp.
  • Khách hàng được người nhà yêu cầu chuyển tiền sang tài khoản ngân hàng khác qua dịch vụ “ngân hàng điện tử” mà khoản tiền đó do người nhà bị lừa đảo để thanh toán hàng hóa, dịch vụ.
  • Khách hàng bị lừa đảo chuyển tiền cho đối tượng để đăng các bài viết dịch vụ có thể cung cấp như: chạy quảng cáo trên Facebook, nhận tăng lượt like, share, follow cho các bài viết, tài khoản cá nhân cho khách hàng có nhu cầu thông qua mạng xã hội..
  • Giả mạo màn hình ứng dụng, màn hình đăng nhập dịch vụ “ngân hàng điện tử” của một số ngân hàng bằng cách gửi email từ một địa chỉ email mạo danh ngân hàng trong đó chứa đường link giả mạo nhằm lừa khách hàng tiết lộ các thông tin bảo mật sử dụng dịch vụ.

Để bảo vệ thông tin và tài sản cá nhân, tránh rủi ro và bị kẻ gian lợi dụng, các chuyên gia quản lý rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng khuyến cáo người dùng dịch vụ cần lưu ý các nội dung như sau:

KHÔNG

  • KHÔNG cung cấp cho bất kỳ ai tên các thông tin bảo mật như tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập Internet Banking, mã OTP, thiết bị bảo mật (thẻ xác thực eSecure, chữ ký số…) của mình, kể cả người thân hoặc nhân viên ngân hàng và bằng bất cứ hình thức nào như mạng xã hội, nhắn tin, trả lời điện thoại, tiết lộ trực tiếp, ứng dụng, website, đường link lạ.
  • KHÔNG nhấn vào các đường dẫn/ website/ email lạ/ nghi ngờ là giả mạo hoặc không rõ nguồn gốc để khai báo thông tin cá nhân, nhập các thông tin về thẻ/ tài khoản/ Internet banking.
  • KHÔNG chuyển tiền/nạp tiền vào số điện thoại/tài khoản để làm các thủ tục nhận thưởng/nhận tiền.

NÊN

  • Đổi mật khẩu mặc định ngay sau lần đăng nhập đầu tiên hoặc khi có nghi ngờ bị lấy cắp mật khẩu và nên định kỳ thay đổi 3 tháng/lần với quy tắc đặt mật khẩu đủ tin cậy.
  • Sử dụng các dịch vụ thông báo qua SMS (SMS biến động tài khoản, SMS cho thẻ tín dụng, SMS cho hoạt động vay, tiết kiệm…) để đảm bảo tài khoản của mình luôn được kiểm soát tốt nhất và an toàn nhất.
  • Khi nhận được tin nhắn OTP, cần kiểm tra kỹ nội dung tin nhắn (thông thường bao gồm: loại giao dịch, số tiền giao dịch, kênh giao dịch). Nếu nội dung tin nhắn không khớp đúng với giao dịch do chính khách hàng đang thực hiện, khách hàng tuyệt đối không nhập mã OTP này vào bất kỳ trang web nào hoặc tiết lộ cho bất kỳ ai dưới mọi hình thức.

Tuệ Minh