Trung tâm điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế AAG cho biết, AAG vừa gặp sự cố lần thứ 3 trên nhánh S1H.
Sáng nay (16/6), một số người dùng Internet Việt Nam chia sẻ thông tin gặp khó khăn trong việc kết nối các dịch vụ gmail, Facebook, theo Zing.
Vào trưa cùng ngày, trong thông tin chia sẻ với ICTnews, đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam đã xác nhận thông tin tuyến cáp quang biển AAG đã tiếp tục gặp sự cố, bị mất dịch vụ trên cáp nhánh S1H.
Cụ thể, đại diện ISP này cho hay, theo thông tin cập nhật từ Trung tâm điều hành tuyến cáp biển AAG, toàn bộ các kênh quốc tế qua nhánh AAG-S1H (VTU-BU4) bị mất.
Hiện, nguyên nhân sự cố xảy ra trên nhánh S1H của tuyến cáp AAG vẫn chưa được xác định là do bị rò nguồn hay bị đứt.
“Đến nay, theo thông báo của Trung tâm điều hành tuyến cáp, điện áp PFE cấp cho cáp nhánh S1H của tuyến cáp AAG không ổn định, đối tác nghi ngờ nhánh cáp S1H bị lỗi shunfault (rò nguồn điện – PV)”, đại diện ISP tại Việt Nam chia sẻ.
Vị đại diện ISP cũng cho biết thêm, thông báo của Trung tâm điều hành tuyến cáp thông tin, hiện Trạm VTU đang phối hợp cùng Trung tâm điều hành để xác định vị trí và kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố này.
Như vậy, tính từ đầu năm 2018 đến nay, với việc AAG vừa gặp sự cố trên cáp nhánh S1H, tuyến cáp quang biển quốc tế này đã có 3 lần gặp sự cố, phải sửa chữa, bảo dưỡng.
Trước đó, 2 lần tuyến cáp AAG gặp sự cố lần lượt vào các ngày 6/1 và 22/5. Sự cố xảy ra trên tuyến cáp AAG vào ngày 22/5 mới được sửa chữa xong vào ngày 2/6 vừa qua.
Kể từ khi được đưa vào khai thác từ cuối năm 2009 cho đến nay, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG đã nhiều lần gặp sự cố hoặc phải bảo dưỡng gây gián đoạn liên lạc trên tuyến, ảnh hưởng đến hoạt động của các ISP và người dùng Internet Việt Nam.
Tuyến cáp quang biển quốc tế AAG có tổng chiều dài 20.000 km và dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây. Đây là tuyến cáp đầu tiên kết nối giữa Đông Nam Á và Mỹ, sử dụng công nghệ ghép bước sóng quang (DWDM). Được chính thức đưa vào vận hành từ tháng 11/2009, tuyến cáp quang này bắt đầu từ Malaysia và kết cuối tại Mỹ, với các điểm cập bờ tại Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha (Thái Lan), Tungku (Bruney), Vũng Tàu (Việt Nam), Currimao (Philippines), South Lantau (Hong Kong), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ)… Nhánh cáp rẽ vào Việt Nam nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km. |
Khôi Minh