Đại Kỷ Nguyên

Cầu Đuống tiếp tục nứt dài, dân sơ tán khẩn cấp

Người đi đường có thể nhìn thấy rõ các vết nứt mỗi lúc một lớn dần, có chỗ rộng tới 10 cm.(Ảnh: Zing).

Những vết nứt tại cầu Đuống kéo dài từ mố cầu cho đến nền sân, tường nhà của một số hộ dân quanh khu vực, đe dọa tính mạng buộc họ phải di dời đến nơi khác.

Mố cầu Đuống (thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội) đầu phía Bắc xuất hiện nhiều vết rạn nứt, bờ kè xung quanh cũng sụt lún nghiêm trọng từ đầu tháng 10 sau trận mưa lớn.

Hiện nay, vết nứt kéo dài từ tứ nón phía hạ lưu cầu Đuống đã ăn xuống tận dưới nhà dân và đe dọa an toàn giao thông khu vực cầu. Vết nứt này kéo dài khoảng 40m chạy dọc đê sông Đuống. Phần bờ kè xung quanh cũng sụt lún nghiêm trọng nên cơ quan chức năng phải đặt biển báo nguy hiểm.

Tại hiện trường, vị trí tiếp giáp giữa tứ nón và tường cánh mố cầu, tại phần thân tứ nón có 4 vết nứt. Trong đó, vết nứt lớn dài 6,7m, hở rộng 8,5 cm; mặt tứ nón có 3 vết nứt, trong đó vết nứt lớn dài 3,7m; mép ngoài tứ nón hở rộng 6 cm (trôi ra ngoài 6,5cm). Ngoài ra, còn có vết nứt trên bề mặt tường chắn, có dấu hiệu chuyển vị tại khu vực tiếp giáp giữa đốt số 2 và số 3, đá hộc xây gia cố sau lưng tường chắn bị lún sụt, theo Infonet.

Khoảng hơn 2 tháng nay, những vết nứt chằng chịt xuất hiện tại phía Bắc chân cầu Đuống (Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội) khiến người dân sợ hãi.
Vết nứt lớn ở gần mặt đường cầu Đuống khiến người dân sợ hãi mỗi khi phải đi qua cầu (Ảnh Infonet).

Theo báo cáo của đơn vị chức năng, tại khu vực bờ sông từ điểm tiếp giáp chân cầu Đuống xuất hiện vết nứt không liên tục dài 36 m. Các vết nứt có chiều hướng phát triển, gây nứt trụ cổng, sân dọc đường bê tông cũng xuất biện các vết nứt hình cung.

Trả lời báo chí, ông Đoàn Duy Hoạch – Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, nước trên sông Đuống chảy xiết, cuộn xoáy kết hợp với mưa lớn xảy ra liên tục tại các tỉnh miền núi phía Bắc làm nước sông dâng cao, tốc độ dòng chảy rất lớn gây sự cố xói lở phía hạ lưu cầu.

Những vết nứt xuất hiện đe dọa tính mạng khiến người dân sống tỏng bất an (Ảnh Infonet).
Một trong những hộ dân bị ảnh hưởng từ vết nứt của cầu Đuống đến công trình nhà (Ảnh SHTT).

Tại nhà bà Bùi Thị Dậu, vết nứt lớn dưới nền nhà gây nguy hiểm nên tạm thời hai vợ chồng và con cái phải đi ở nhờ từ từ ngày 3/10, chờ phía cơ quan chức năng tìm phương án giải quyết.

Bà Trương Thị Vĩnh (Tổ Đuống 2) cho biết trên Infonet, trước kia nhà bà chỉ có 1 nứt chân chim nhẹ ở trong sân nhưng sau trận mưa lớn vết nứt ngày càng lớn. Nhiều hộ dân sống liền kề nhà bà Vĩnh cũng bị hư hỏng nặng, vết nứt chạy ngang dọc khắp nơi.

Trường hợp bị ảnh hưởng nặng nhất là nhà anh Lê Đình Quân, khi phát hiện những vết nứt, chính quyền đã động viên gia đình đi sơ tán để đảm bảo an toàn.

Nhiều nhà dân bị hư hỏng nặng phải đi dời đến nơi an toàn.
Cơ quan chức năng đặt biển cảnh báo nguy hiểm và đang tìm hướng khắc phục sự cố (Ảnh SHTT).

UBND huyện Gia Lâm đã huy động lực lượng phát quang toàn bộ khu vực xảy ra sự cố; di dời các hộ có nguy cơ bị sạt lở đến nơi an toàn. Đồng thời, bố trí lực lượng trực, tuần tra theo dõi thường xuyên, đặt thông báo, cảnh báo khu vực xảy ra sự cố.

Huyện cũng sớm triển khai dự án xử lý cấp bách để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân.

Hoàng Minh

Exit mobile version