Cây long não gần 100 tuổi ở Đắk Lắk đã chết khô sau khi cơ quan chức năng tiến hành phun thuốc chữa trị nấm cách đây 8 tháng.
Sáng 4/12, ông Bùi Văn Quý, giám đốc Công ty Môi trường và đô thị Đắk Lắk, cho biết cây long não (cây di sản Việt Nam) tại khuôn viên Bảo tàng Đắk Lắk bị chết khô sau hơn 8 tháng phun thuốc chữa trị nấm, theo Báo Zing.
Vào khoảng tháng 8/2016, cây xuất hiện một số nhánh khô do bị nấm tấn công, dần dần 80% các nhánh của cây long não đã bị rụng lá, không còn khả năng sống. Vừa để đảm bảo an toàn cho người dân và tránh lây lan nấm những nhánh còn lại, đơn vị đã cắt bỏ những cành cây bị nhiễm nấm.
Vị giám đốc cho biết thêm, sau khi xuất hiện một số nhánh nhiễm bệnh đơn vị quản lý di tích đã báo cáo UBND tỉnh và mời các chuyên gia vào kiểm tra đưa ra hướng “chữa trị” cho cây. Tuy nhiên sau 8 tháng phun thuốc, các nhánh còn lại của cây cũng bị chết dần đến khô héo. Sắp tới công ty sẽ có văn bản báo cáo UBND tỉnh và xin cắt cây để tránh gây nguy hiểm cho người dân.
Hiện cây long não còn lại cũng xuất hiện một số nhánh bị chết khô. Theo vị giám đốc nguyên nhân cây long não bị chết là do nhiều loại nấm. Trong đó, có một loại nấm chưa xác định được.
Khoảng ba năm trước, các đơn vị đã mở rộng con đường bêtông, sử dụng máy móc, xe cộ lu ủi tạo một con đường rộng nằm ngay dưới tán cây long não. Quá trình làm đường này cộng với việc nền bêtông là nguyên nhân chính khiến cây long não bị chết rễ. Từ đó các loại nấm, mối ký sinh lên bộ rễ thúc đẩy quá trình chết của cây nhanh hơn, theo Báo Tuổi Trẻ.
Hai cây long não hiện có tuổi thọ 70-80 năm, được trồng và chăm sóc bởi tay các nghệ nhân bonsai trong thời kỳ vua Bảo Đại cho xây dựng biệt điện Bảo Đại. Hai cây này không chỉ lớn về mặt tuổi thọ mà có hình dáng rất độc đáo, cành vươn ngang rộng tạo thế cây bonsai, đường kính thân cây trên 2m, cao trên 30m, tán vươn rộng ra hàng chục mét.
Năm 2014, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN đã công nhận hai cây long não tại khuôn viên biệt điện Bảo Đại là hai cây di sản.
Đức Huy