Thay vì phải xếp hàng, chen lấn đến nghẹt thở chờ đến lượt thanh toán tại các siêu thị trong những ngày cận Tết, chỉ với một cú nhấp chuột, người tiêu dùng có thể mua sắm trực tuyến nhiều mặt hàng phục vụ nhu cầu Tết.
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2018. Những ngày này, người dân đã ùn ùn đổ về các siêu thị để mua sắm Tết, tạo nên quang cảnh đông đúc, chen lấn đến nghẹt thở. Không chỉ khó khăn trong việc chọn lựa hàng hóa, nhiều người còn phải bỏ hàng hóa để về tay không vì không đủ kiên nhẫn chờ đến lượt thanh toán.
Rút kinh nghiệm từ những năm đi siêu thị sắm Tết, năm nay xu hướng mua sắm Tết trực tuyến trên các trang thương mại điện tử đang được rất nhiều chị em, đặc biệt là những người bận rộn lựa chọn.
Chia sẻ trên Tuổi trẻ, chị Ngân, sống ở Q.1, Tp.HCM, cho biết đã đặt mua trực tuyến khá nhiều hàng hóa cho mùa Tết năm nay như 1 cặp bánh tét xuất xứ Bến Tre, mứt dừa, mứt bưởi, mứt me đều đặt qua người quen đang làm bán. Thậm chí, chị còn đặt trước cả gà cúng tất niên, hoa ly đến ngày 27 tháng Chạp mới lấy. Theo chị Ngân, giá nhiều loại hàng vẫn như ngày thường.
“Giờ không lo những ngày sát tết phải ra chợ chen chúc từ tờ mờ sáng mà giá còn tăng cao hơn nhiều. Mọi thứ bây giờ có trên mạng nên người nội trợ đỡ vất vả hơn”, chị Ngân tâm sự.
Tương tự, chị Lan, nhân viên công sở tại Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ, năm nào chị cũng phải làm việc đến tận sát Tết mới được nghỉ nên không có nhiều thời gian để ra ngoài sắm sửa. Năm nay, chị tranh thủ lướt web, đặt hàng trên mạng. Chị Lan cho biết dịch vụ mua hàng online đã giúp chị giải tỏa được nỗi lo không kịp mua những món quà Tết chất lượng để biếu gia đình nội ngoại.
Trên nhiều trang mạng, không khí mua sắm Tết Nguyên đán đã rất nhộn nhịp. Để thuận tiện cho khách hàng trong việc lựa chọn quà tết, nhiều shop online đã chia các sản phẩm quà tết theo chủ đề cụ thể như thực phẩm Tết, Hi-tech Tết, Tết đẹp cho chàng, Tết đẹp cho nàng…
Bên cạnh đó, những mặt hàng quê, đặc sản các vùng miền cũng là những mặt hàng hot trên chợ mạng năm nay. Các mặt hàng thuộc loại đặc sản, quý hiếm như: Hạt dẻ Cao Bằng, măng khô Lạng Sơn, thịt trâu gác bếp, gạo nếp nương, gạo nếp cẩm…. được các chợ online đăng bán với những lời cam kết hấp dẫn.
Theo dữ liệu Criteo về thương mại điện tử Việt Nam trong dịp Tết Âm lịch 2017, giai đoạn sắm Tết online cao điểm của người Việt rơi vào khoảng ngày 6 tháng Chạp đến 23 tháng Chạp. Mặt hàng thời trang và thực phẩm có sự tăng trưởng về doanh thu lớn nhất, lần lượt là 86% và 51%. Kết quả phân tích cũng cho thấy Tết năm trước, tăng trưởng doanh thu mùa Tết trên ứng dụng di động là cao nhất so với website trên máy tính và điện thoại. Đơn cử như mặt hàng quần áo, tăng trưởng doanh thu từ ngày 6 đến 23 tháng Chạp trên ứng dụng di động là 73%. Trong khi đó, tăng trưởng trên website máy tính và điện thoại lần lượt là 60% và 64%, theo Vnexpress.
Nguyễn Trang