Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 23/2 xin gửi đến quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau:
3 thiếu niên trả lại ví tiền chứa hơn 40 triệu cho người đánh mất
Khi đi du Xuân vào tối mùng 4 Tết, 3 thiếu niên ở Sóc Trăng nhặt được ví tiền bên trong có 40 triệu đồng cùng nhiều giấy tờ tùy thân, 3 em đã mang toàn bộ đồ nhặt được đến Công an huyện trình báo để trả lại người đánh rơi.
Được biết, danh tính 3 em là Đỗ Thanh Bằng (16 tuổi, học sinh lớp 10A8), Trần Thanh Mới (16 tuổi) và Lê Nhĩ Khang (14 tuổi) cùng ngụ tại thị trấn Phú Lộc (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng).
Ngày 21/2, Công an huyện Thạnh Trị gửi thông báo, đến Trường THPT Trần Văn Bảy (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) đề nghị nhà trường biểu dương em Đỗ Thanh Bằng (16 tuổi, học sinh lớp 10A8).
Hai em còn lại là Trần Thanh Mới (16 tuổi) và Lê Nhĩ Khang (14 tuổi) vừa nghỉ học nên thị trấn Phú Lộc (Thạnh Trị) đang lên kế hoạch biểu dương.
Trước đó, vào tối 19/2 (mùng 4 Tết Nguyên đán Mậu Tuất), 3 em Bằng, Mới và Khang (cùng ngụ ấp Thạnh Điền, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị) đạp xe đi chơi. Khi đến trạm chờ xe buýt gần Trường THPT Trần Văn Bảy, các em phát hiện một chiếc ví nằm dưới đường, bên trong có nhiều tiền.
Bằng bàn với Mới và Khang mang ví tiền đến Công an huyện Thạnh Trị giao nộp để tìm trả cho người đánh rơi.
Tại trụ sở Công an huyện, lực lượng Công an kiểm tra bên trong có trên 40,6 triệu đồng cùng một số giấy tờ tùy thân mang tên Dương Ngọc Diễm (ngụ Kiên Giang).
Ngay sau đó, Công an huyện Thạnh Trị cử cán bộ đến trạm xe buýt phát loa tìm người đánh rơi. Một lúc sau, chị Diễm xuất hiện tìm lại chiếc ví bị mất…
Du khách Hàn Quốc mừng rỡ khi nhận lại ví từ chàng trai Việt
Ngày 20/2, các diễn đàn đăng tải thông tin một chàng trai nhặt được ví da màu đen của du khách nước ngoài, trong đó có nhiều tiền mặt và giấy tờ quan trọng ở khu du lịch Mũi Né, Phan Thiết. Cộng đồng mạng Việt sau đó nhanh chóng chia sẻ bài viết này với hy vọng sớm tìm thấy chủ nhân chiếc ví.
Anh Đỗ Quốc Huy, chủ nhân bài viết cho biết, anh nhặt được chiếc ví ở gần quán cà phê của anh ở Mũi Né, Phan Thiết. Anh chụp ảnh và đăng lên các diễn đàn với hy vọng tìm ra người bị mất.
Sau vài giờ, rất nhiều dân mạng đã lan toả và chỉ vào buổi trưa hôm sau, người bị mất đã liên lạc với anh, theo Zing.
Quốc Huy kể, thanh niên Hàn Quốc rất mừng khi tìm thấy đồ. Người này đưa cho Huy 100.000 đồng để cảm ơn song anh không nhận. Chủ nhân chiếc ví cúi đầu cảm ơn rồi ra về.
Chàng trai tâm sự, trước đây anh từng khá nhiều lần nhặt được ví đánh rơi trên đường. Mỗi lần như vậy, Huy thường tìm mọi cách để trả lại. Bởi anh tâm niệm số tiền đó không phải của mình, trả đúng người mình sẽ an lòng hơn.
Cá 6kg nghi sủ vàng quý hiếm ở Cà Mau
Anh Huỳnh Văn Trải (34 tuổi, ở huyện Ngọc Hiển) cho biết, mới đây, khi đánh bắt cách đảo Hòn Khoai 3 hải lý, anh phát hiện con cá lạ nặng 6kg, dài khoảng 65cm, thân lấp lánh màu vàng, vi hồng đỏ trong mẻ lưới.
Các bạn tàu cho rằng đây là cá sủ vàng quý hiếm nên anh đưa vào tủ đông lạnh bảo quản. Sau đó, anh đăng ảnh con cá lên mạng xã hội, nhờ những người hiểu biết xác định cụ thể.
“Đã có thương lái đến xem, hỏi mua lại con cá với giá 20 triệu đồng. Tôi đang xem xét sẽ bán, vì cá đã chết nên không còn nguyên giá trị”, anh Trải nói.
Cá sủ vàng phân bố chủ yếu ở Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Sri Lanka, Trung Quốc. Cá đắt do bóng cá dùng làm chỉ khâu hữu cơ dễ tan trong y học. Mặt khác, theo quan niệm của người dân một số nước châu Á, món ăn từ cá sủ vàng là “cao lương mỹ vị”, mang đến may mắn và làm ăn tấn tới, được giới giàu có săn lùng.
Giẫm đạp lên nhau để cướp lộc cầu may ở hội Rước cây bông
Vào mùng 7 Tết Nguyên đán hàng năm, người dân tại xã Đồng Thịnh (Vĩnh Phúc) lại tưng bừng trong đám rước cây bông. Lễ hội gắn liền với địa danh đền Thượng thờ đức thánh Tản Viên Sơn, mong muốn cầu mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt mùa màng bội thu.
Công tác chuẩn bị cây bông cho lễ hội bắt đầu từ những ngày 20, 21 tháng Chạp. Cây bông có 3 loại là bông lúa, bông vải và cây đỗ
Năm nay, mùng 7 (22/2/2018), thôn Bằng Phú rước cây bông tế thần tại đền Thượng. Đoàn rước đi từ thôn Bằng Phú đến đền Thượng, quãng đường hơn 2km. Khi đoàn rước về đến sân đền Thượng, lễ khai hội bắt đầu.
Mỗi cây bông thường có 60 cành được cắm làm sao cho cây thật xum xuê.
Ba cây bông có thân từ cây chuối được trang trí bằng những dải giấy màu cuốn quanh. Cành của cây bông đỗ có các loại như đỗ đen, đỗ cả, đỗ nhỏ kén bông và chim sâu.
Cây bông lúa được nhuộm màu vàng lục từ nước quả giành giành tựa như màu bông lúa chín vàng, cây bông vải màu trắng ngà của màu tre tự nhiên.
Thực hiện xong lễ tế, chủ tế thông báo nghi thức cướp bông bắt đầu. Phần kịch tính và hấp dẫn nhất là phần hội cướp bông.
Hàng trăm người lao vào rút bông, hoặc nếu không thể cướp được bông cũng mong được chạm tay vào thân cây bông.
“Quan niệm dân gian, nếu ai cướp được bông hay chỉ cần chạm được tay vào linh vật thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn, mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ”, ông Nguyễn Nho, Trưởng ban tổ chức chia sẻ.
Cảnh chen lấn xô đẩy để cướp bông diễn ra trong khoảng 2 phút.
Người cướp bông có đủ già trẻ, lớn bé, nam nữ. Giữa sân Đình Thượng nơi đặt ba cây bông là nơi người dân chen lấn giẫm đạp lên nhau.
Người lấy được bông tỏ ra phấn khích vui vẻ.
Nhiều người không thể tranh lộc đành nhặt nhạnh những sợi bông sót lại dưới thân cây.
“Năm nào tôi cũng đến để xin lộc, năm nay tôi lấy được rất nhiều. Hy vọng một năm mới nhiều may mắn sẽ đến. Lộc lấy được sẽ đem về đặt trang trọng trên bàn thờ gia tiên”, bà Triệu thị Hoan (thôn Yên Bình) vui vẻ nói.
Lễ hội được đánh giá là tưng bừng, náo nhiệt và an toàn, không có tai nạn sự cố nào, mọi người vui vẻ, phấn khởi vì được tham gia một ngày hội ý nghĩa.
—-
Bản tin “CHÀO BUỔI SÁNG” được Đại Kỷ Nguyên phát hành vào buổi sáng hàng ngày. Quý độc giả có thể tải ứng dụng DKN.TV trên điện thoại di động tại Google Play hoặc App Store để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.
Khôi Minh