Đại Kỷ Nguyên

CHÀO BUỔI SÁNG: 5 trường ĐH New Zealand tuyển thẳng học sinh Việt Nam, Mổ lợn ăn tết phát hiện vật nghi ‘cát lợn’, Bánh dày hơn 3 tấn dâng giỗ tổ Hùng Vương

Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 25/2 xin gửi đến quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau:

Năm 2018, 5 trường ĐH New Zealand tuyển thẳng học sinh Việt Nam

Ngày 23/2, Cơ quan giáo dục New Zealand thông tin, 5 trên tổng số 8 trường đại học (ĐH) công lập của New Zealand đã chấp nhận học sinh (HS) tốt nghiệp THPT ở Việt Nam được vào thẳng năm nhất đại học với một số điều kiện cụ thể:

– Ứng viên đạt được điểm trung bình lớp 12 là 8.0/10 và đạt điểm IELTS (hoặc các chứng chỉ tương đương) tối thiểu 6.0 (không có kỹ năng nào dưới 6.0).

– Các trường tư thục hoặc học viện kỹ nghệ thường có yêu cầu đầu vào thấp hơn điều kiện của trường công lập. (Chi tiết)

Cả 8 trường ĐH công lập của New Zealand đều là những ĐH danh tiếng nằm top 3% các trường ĐH tốt nhất thế giới. Với việc vào thẳng, thời gian và chi phí du học tại New Zealand sẽ được rút ngắn.

Ngoài ra, nếu không đủ điều kiện vào thẳng, ứng viên có thể đăng ký theo học các chương trình dự bị (Foundation) hoặc chương trình tiếng Anh bổ sung.

Các khóa Foundation có thời gian từ 4-12 tháng với các môn như toán học, tiếng Anh, khoa học và một số môn cơ bản khác.

Rau xanh rớt giá, nông dân đổ cho bò ăn hoặc phun thuốc cỏ để phân hủy

Những ngày sau Tết, ở Quảng Ngãi, giá các loại rau xanh tại ruộng xuống thấp “chưa từng thấy”. Các cánh đồng trồng hoa màu hai bên bờ sông Trà Khúc khá im ắng.

Trên thửa ruộng một sào trồng đậu cô ve, bà Nguyễn Thị Tuyết, xã Tịnh An (TP Quảng Ngãi) cho biết, trước Tết Mậu Tuất, giá đậu dao động 10.000-20.000 đồng/kg. Nhưng từ 30 Tết đến nay, giá chỉ còn 1.000 đồng/kg.

Giá đậu cô ve chỉ còn 1.000 đồng một kg khiến nông dân để trái già ngoài đồng. (Ảnh: Phạm Linh)

Năm ngoái, lũ lụt làm phần lớn rau màu hư hại khiến giá đậu cô ve lên cao kỷ lục, trung bình khoảng 30.000 đồng/kg và đạt 50.000 đồng/kg vào dịp Tết. Năm nay, thời tiết thuận lợi giúp nông dân được mùa thì giá lại giảm sâu.

Ngoài đậu cô ve, các loại rau khác cũng chịu cảnh rớt giá. Dưa leo từ 18.000 đồng (thời điểm 10 ngày trước Tết) xuống còn 2.000 đồng, thấp hơn 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, khổ qua khoảng 18.000 đồng/kg trước Tết xuống còn 2.000 đồng/kg. Rau muống, xà lách, mồng tơi… còn 2.000-3.000 đồng/kg.

Người dân cho biết một số hộ đã dùng thuốc cỏ phun để hoa màu phân hủy vì cho rằng giá sẽ còn xuống thấp nữa.

Chị Nguyễn Thị Minh Hòa ở xã Tịnh An cho biết, gia đình còn giữ lại nửa sào rau muống làm thức ăn và bán lai rai. Nửa sào đậu ngoài đồng, chị hái về rồi lựa những trái già cho bò ăn, còn lại trái non đem bán.

Chị Hòa đổ đậu cho bò ăn vì giá xuống thấp. (Ảnh: Phạm Linh)
Những túi mồng tơi không bán được bị vứt bỏ bên bờ sông Trà Khúc. (Ảnh: Phạm Linh)

Mổ lợn ăn tết, 2 gia đình ở Thái Bình phát hiện vật nghi là ‘cát lợn’

Ngày 23/2, ông Phạm Văn Dũng, xóm 7, thôn Chiến Thắng, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư cho biết, trong lúc thịt lợn để mời bạn bè của con ở Hà Nội về ăn tất niên ngày 14/2 (29 tết), gia đình ông đã phát hiện vật nghi là “cát lợn” nằm trong dạ dày của lợn.

Con lợn gia đình ông Dũng mổ là lợn nái rừng nặng 78kg, nuôi được khoảng 7 năm. Con lợn này được ông mua của một người dân trong xã.

Vật được nghi là “cát lợn” có hình bầu dục, nặng 0,7kg, dài 15cm, rộng 10cm, bên ngoài được bọc bởi 1 lớp sợi giống lông màu vàng sẫm.

Vật nghi là “cát lợn” mà gia đình ông Nguyễn Văn Kiên thấy trong dạ dày lợn.

Ông Dũng cho biết, ông từng làm nghề mổ lợn nhưng chưa bao giờ được nhìn thấy vật này. Ông biết về “cát lợn” qua báo chí nên khi thấy vật này trong dạ dày ông không bất ngờ. Sau khi phát hiện vật lạ trên nghi là “cát lợn” ông Dũng đã rửa sạch và bảo quản trong tủ lạnh.

Trước đó, vào ngày 12/2 (27 tết), trong lúc mổ lợn để ăn tết, gia đình ông Nguyễn Văn Kiên, xóm Đông An, thôn Bổng Điền Bắc, xã Tân Lập, huyện Vũ Thư cũng đã phát hiện vật nghi là “cát lợn” nằm trong dạ dày. Vật thể này nặng 0,6kg, dài 12cm, rộng 8 cm.

Con lợn ông Kiên mổ là lợn nái, nuôi được 6 năm, nặng 120kg. Khi phát hiện vật trên trong dạ dày lợn, ông Kiên định vứt đi nhưng con ông đoán đây là “cát lợn” nên đã giữ lại.

“Cát lợn” còn được gọi là trư cát, trư sa cát lợn hay trứng vàng. Đây là một loại sỏi mật lành tính được tích tụ theo thời gian trong cơ thể lợn, được nhiều người đánh giá là có giá trị cao đối với y học.

Tuy nhiên, trên thực tế chưa có tài liệu, bằng chứng, thông tin chính thức nào nói về giá trị kinh tế cũng như y khoa của cát lợn.

Hai gia đình hiện vẫn bảo quản 2 vật trên trong tủ lạnh. Họ khẳng định đây chính là “cát lợn” có giá hàng tỷ đồng. Họ cho biết đã có người gọi điện hỏi mua nhưng vẫn chưa bán vì cho là quá rẻ.

Bánh dày hơn 3 tấn dành dâng giỗ tổ Hùng Vương

Mới đây, TP Sầm Sơn đã có công văn đề nghị tỉnh Thanh Hóa về việc dâng bánh giầy kỷ lục Sầm Sơn lên đền Hùng nhân dịp giỗ tổ Hùng Vương năm 2018.

Thành ủy Sầm Sơn cũng đã đồng ý về việc dâng bánh dày kỷ lục Sầm Sơn lên đền Hùng nhân dịp giỗ tổ Hùng Vương, ngày 10/3/2018 âm lịch.

Từ đó, TP Sầm Sơn đề nghị tỉnh Thanh Hóa cho phép địa phương này chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức làm bánh dày kỷ lục Sầm Sơn dâng lên đền Hùng nhân dịp giỗ tổ Hùng Vương năm 2018.

TP Sầm Sơn dự kiến làm chiếc bánh dày có trọng lượng hơn 3 tấn. Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp, sản phẩm của địa phương. Chiếc bánh dày này sẽ được làm tại TP Sầm Sơn và tổ chức rước bánh từ TP Sầm Sơn dâng lên đền Hùng vào đúng ngày giỗ tổ Hùng Vương năm 2018.

Trước đó, vào dịp đầu xuân Đinh Dậu năm 2017, TP Sầm Sơn cũng đã tổ chức làm một chiếc bánh dày “khổng lồ” nặng hơn 2 tấn để dâng hương trong lễ hội cầu phúc đền Độc Cước.

Đây là một hoạt động tâm linh nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an tại lễ hội cầu phúc đền Độc Cước.

—-

Bản tin “CHÀO BUỔI SÁNG” được Đại Kỷ Nguyên phát hành vào buổi sáng hàng ngày. Quý độc giả có thể tải ứng dụng DKN.TV trên điện thoại di động tại Google Play hoặc App Store để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News

Exit mobile version