Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 4/7 xin gửi đến quý độc giả những tin đáng chú ý sau:

Ban chỉ đạo xây dựng đặc khu chuẩn bị họp lần hai

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu), Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Nội vụ về việc chuẩn bị nội dung họp lần thứ 2 của Ban, theo VnExpress.

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng ban chỉ đạo đề nghị các thành viên của Ban báo cáo các công việc thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành, đơn vị mình; đề xuất giải pháp thực hiện các nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách, gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Nội vụ trước ngày 2/7.

Việt Nam dự kiến xây dựng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt ở Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà), Phú Quốc (Kiên Giang).

Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ tổng hợp ý kiến thành viên Ban chỉ đạo, ý kiến của nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và chuẩn bị báo cáo các vấn đề liên quan đến nội dung đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trước ngày 5/7.

Trước đó, ngày 2/7, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, ông Nguyễn Đức Long – Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh đề xuất Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm.

Hà Nội đang nóng kỷ lục

Với mức đỉnh 39,4oC tại trạm đo Láng, 3/7 năm nay là ngày nóng nhất ghi nhận được từ chuỗi số liệu lịch sử cùng ngày ở Hà Nội, theo Zing.

Chiều 3/7, thời tiết nắng nóng gay gắt tiếp tục diễn biến trên diện rộng ở khu vực Bắc và Trung Bộ, nhiệt độ cao nhất ban ngày phổ biến 36-40oC, thậm chí có nơi trên 40oC.

Theo số liệu của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, với mức nhiệt độ ghi nhận lúc 13h là 39,4oC tại trạm đo Láng, 3/7/2018 là ngày nóng nhất nếu so sánh với toàn bộ ngày 3/7 trong lịch sử ở Hà Nội. Kỷ lục này vượt xa số liệu ghi nhận được vào ngày 3/7/2004 – ở mức 38,6oC.

Đến 16h cùng ngày, nhiệt độ tại trạm đo Láng chỉ giảm đi chút ít, còn 39,1oC.

Nhiệt độ đo được tại một số trạm đo vào 13h ngày 3/7. (Ảnh: Trà My)

Do hiện tượng bê tông hóa, lượng phương tiện giao thông lớn, nhiệt độ thực tế ngoài trời có thể cao hơn từ 3-5 độ so với dự báo nhiệt độ đo trong lều khí tượng. Đặc biệt, trên mặt đường, ở những nơi bê tông hóa, nhiệt độ thực tế cao hơn rất nhiều.

Theo số liệu của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, nhiệt độ tại Hà Nội từng đạt tới mức 41,5oC vào ngày 3/6/2017 tại trạm đo Hà Đông.

Ông Lê Thanh Hải, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, cho rằng thông thường, tháng 6 và 7 là thời điểm có nhiều đợt nắng nóng nhất, với cường độ khắc nghiệt nhất. Mỗi tháng, trung bình có 2-3 đợt, trong đó, đa số là nắng nóng gay gắt.

Theo cơ quan khí tượng, nắng nóng gay gắt diện rộng ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ còn kéo dài đến ngày 6/7. Trong đợt nắng nóng kéo dài này, nhiệt độ cao nhất ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có Hà Nội) phổ biến 37-40oC; nhiệt độ cao nhất ở các tỉnh Trung Bộ phổ biến 38-40oC, có nơi trên 40oC.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên liên tục theo dõi các bản tin dự báo để cập nhật thông tin thời tiết, đặc biệt khi nắng nóng được đánh giá là một trong những loại hình thiên tai.

Bên cạnh đó, người dân nên uống nhiều nước, hạn chế ra đường khi nắng nóng đỉnh điểm vào buổi trưa và chiều, cần có các biện pháp tránh nắng như đội mũ rộng vành, che ô, đeo khẩu trang…

Nắng nóng khiến người dân cảm thấy ngột ngạt, khó chịu. (Ảnh: Việt Linh)

Cơ quan khí tượng nhận định, hiện tượng ENSO khả năng duy trì trạng thái trung tính đến tháng 9, từ tháng 10 có xu hướng chuyển dần sang trạng thái El Nino với xác suất khoảng 50-60%. Do vậy, nhiệt độ trung bình trong các tháng hè của năm 2018 trên toàn quốc phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.

Nắng nóng diện rộng ở Hà Nội và các tỉnh Bắc, Trung Bộ có xu hướng không gay gắt như trong năm 2017. Dự kiến, năm nay có khoảng 14-15 đợt nắng nóng, các đợt nóng trung bình kéo dài khoảng 3-5 ngày.

Trưởng trạm y tế chém 3 người, phóng hoả hiện trường rồi tự sát

Chiều 3/7, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội xác nhận, nghi can chém 3 phụ nữ khiến một người tử vong ở huyện Sóc Sơn rồi tự sát là cán bộ trạm y tế của Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 đóng trên địa bàn xã Tân Minh, theo Zing.

Nguồn tin từ một cán bộ địa phương cũng xác nhận nghi phạm là ông Vương Văn Bình (49 tuổi, Trưởng trạm y tế thuộc Cơ sở cai nghiện ma túy số 3). Người đàn ông đã dùng dao phay chém trọng thương 3 nạn nhân rồi tẩm xăng hòng đốt xác. Bị người dân truy đuổi, ông Bình chạy ra cánh đồng ngô cách hiện trường khoảng 5 km rồi tự sát.

Mẹ tử vong, con nguy kịch

Trao đổi với Zing trưa 3/7, bà Nguyễn Thị Minh Thương, điều dưỡng trưởng của Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn, cho biết sáng cùng ngày, bệnh viện tiếp nhận 3 bệnh nhân nữ với nhiều vết chém trên cơ thể. Cả 3 đều bị tẩm xăng lên người.

Bệnh nhân đầu tiên nhập viện là Đỗ Thị Bích Ngọc (16 tuổi) với nhiều vết thương ở đầu và gáy. Khi các bác sĩ hỏi nguyên nhân, nạn nhân chỉ kịp thốt lên “cháu cứu mẹ cháu” rồi lịm đi. 

Ít phút sau, mẹ thiếu nữ này là bà Nguyễn Thị Thanh Huyền (41 tuổi) cũng được đưa vào viện trong tình trạng bỏng 20% cơ thể. Trên người nạn nhân có 10 vết chém, nặng nhất là vết ở gáy (dài 15 cm, sâu 4 cm). 

Sau đó, hai nạn nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội. 

“Nạn nhân nhập viện trong tình trạng thở ngáp, ngừng tuần hoàn, có nhiều vết thương thấu xương, tiên liệu xấu. Chúng tôi tiến hành cấp cứu đến 10h30 thì phải chuyển cả hai mẹ con lên bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn”, bà Thương thông tin.

Đến chiều 3/7, bà Huyền đã tử vong, còn con gái nạn nhân vẫn đang được cấp cứu. 

Cũng theo vị điều dưỡng trưởng, trong ngày bệnh viện sẽ tiến hành khám nghiệm tử thi với ông Vương Văn Bình (49 tuổi), nghi phạm của vụ án đã tự sát cách hiện trường 5 km.

Nạn nhân thứ 3 trong vụ án tên Nguyễn Thị Mơ (32 tuổi) cũng được đưa đến bệnh viện với vết chém ở tay và vai. Nữ nạn nhân này tỉnh táo, đã kể với lại sự việc với người thân và các y bác sĩ.

Do mâu thuẫn trong công việc?

Theo bác sĩ trực tiếp điều trị cho các nạn nhân, bà Mơ và bà Huyền cùng là nhân viên y tế dưới quyền của ông Bình. Sáng 3/7, ông Bình hẹn bà Mơ đến nhà riêng của bà Huyền để trao đổi công việc.

Đến nơi, bà Mơ thấy ông Bình đã chuẩn bị sẵn bánh kẹo, nước ngọt. Lúc này, người thân bà Huyền đi vắng. Trên gác chỉ có con gái lớn của chủ nhà.

Người đàn ông dùng dao chém 3 người sau đó dùng xe máy chạy đi tự sát. (Ảnh: Dân Trí)

Sau khi chốt cửa, ông Bình lời qua tiếng lại với đồng nghiệp rút dao phay giấu sau lưng chém bà Mơ. Nạn nhân hoảng sợ trốn vào gầm cầu thang thì trưởng trạm y tế quay ra chém bà Huyền. Con gái chủ nhà từ trên gác chạy xuống can ngăn cũng bị chém nhiều nhát. 

Bà Mơ thoát thân khi chạy lên tầng 3 rồi nhảy sang mái tôn nhà bên cạnh.

Khi phóng hỏa hiện trường, ông Bình bị người dân đuổi bắt. Nghi phạm bỏ trốn khoảng 5 km rồi tự sát tại ruộng ngô ven quốc lộ 3.

Chia sẻ với các bác sĩ bệnh viện đa khoa huyện Sóc Sơn, bà Mơ nói ông Bình có mâu thuẫn công việc với các nhân viên dưới quyền. Công an Hà Nội đang tiếp tục điều tra làm rõ.

Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả một ngày may mắn và làm việc hiệu quả!

———–—

Đại Kỷ Nguyên News