Đại Kỷ Nguyên

CHÀO BUỔI SÁNG: Căng băng rôn tố cáo vụ lừa đảo đa cấp lớn nhất lịch sử Việt Nam, Tài xế Uber gặp mặt chia tay

Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 9/4 xin gửi đến quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau:

Căng băng rôn tố cáo vụ lừa đảo đa cấp lớn nhất lịch sử Việt Nam

Sáng 8/4, hàng chục người dân đã kéo đến vây chặt trụ sở Công ty Cổ phần Modern Tech tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP. HCM tố cáo bị công ty chiếm đoạt lừa đảo hơn 15 ngàn tỷ đồng, theo VNF.

Theo tố cáo của người dân, Modern Tech, Ifan và Pincoin là dự án huy động vốn gồm 7 người Việt Nam sáng lập chính. Tuy nhiên, Ifan gắn mác dự án đến từ Singapore, Pincoin đến từ Ấn Độ.

Số tiền lừa đảo được cho là lên đến 15.000 tỉ đồng. (Ảnh: Huy Hùng)

Để qua mặt cơ quan chức năng, Ifan, Pincoin ủy quyền cho Công ty Modern Tech làm đại diện hợp pháp tại Việt Nam. Modenrn Tech tổ chức các sự kiện tại TP.HCM và Hà Nội để huy động vốn từ chủ đầu tư.

Modern Tech kêu gọi nhà đầu tư mua đồng tiền ảo Ifan (giống như một loại cổ phiếu có giá trị, nhưng thay vì phát hành cổ phiếu, Modern Tech lại phát hành ra đồng tiền số này để huy động vốn nhằm tránh việc kiểm tra từ Ủy ban chứng khoán nhà nước).

Ifan cam kết khi tham gia nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Ngoài ra, nếu lôi kéo được người vào hệ thống sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia. Đây là mô hình kinh doanh “đa cấp” theo kiểu kim tự tháp.

Mặc dù hứa hẹn chi trả phần trăm nhưng sau khi thu được số tiền lớn Ifan tuyên bố quy đổi hình thức trả thưởng bằng cách quy đổi qua các đồng tiền số. Ifan quy định giá công bố 5USD trên một đồng tiền số. Tuy nhiên giá thực tế của đồng tiền số này trên thị trường chỉ là 0,01 USD/một đồng.

Người dân tụ tập trước trụ sở Công ty Cổ phần Modern Tech. (Ảnh:VNF)

Bằng thủ đoạn trên, Ifan dụ dỗ hơn 32 nghìn nạn nhân cùng tham gia và huy động được hơn 15 nghìn tỷ đồng tiền vốn. Điều đáng nói, tất cả các chủ đầu tư sau đó không hề được nhận bất cứ lợi nhuận thực tế nào. Hàng ngàn người vì đó lâm vào cảnh tán gia bại sản khi đầu tư hàng tỷ đồng vào Ifan. Có trường hợp suy sụp tinh thần sau khi mất tiền đã đột tử.

Nhóm người biểu tình căng băng rôn tố cáo các thành viên Modern Tech “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Họ khẩn cầu các cơ quan chức năng vào cuộc chỉ đạo điều tra vụ việc mà theo họ là vụ lừa đảo đa cấp lớn nhất lịch sử Việt Nam.

Giây phút chia tay của cá tài xế Uber sau 4 năm đồng hành

Khi Uber lặng lẽ bỏ rơi tài xế thì những người suốt 4 năm qua gắn bó với ứng dụng này tự hẹn nhau tổ chức cuộc chia tay ở công viên Gia Định sáng 8/4.

Anh Nguyễn Hoàng Hải cho biết, buổi họp mặt và diễu hành chia tay do chính các tài xế tự tổ chức với nhau. Nhiều tài xế quyết giữ lại đồng phục, mũ làm kỷ niệm. (Ảnh: Phúc Minh)

Anh Nguyễn Hoàng Hải (34 tuổi, đối tác hơn nửa năm của Uber) cho biết, sau khi tập trung đông đủ, họ bắt đầu chạy từng đoàn theo đường Phạm Văn Đồng, quốc lộ 1K hướng về tỉnh Bình Dương và thành phố Biên Hòa (Đồng Nai).

“Anh em tài xế Uber khu vực Biên Hòa cũng tập trung chờ chúng tôi ở dưới. Khi đoàn đến, chúng tôi sẽ giao lưu, chụp ảnh làm kỷ niệm trong ngày cuối cùng Uber hoạt động tại Việt Nam”, anh nói.

Anh Hải cho biết thêm, buổi gặp gỡ và diễu hành này là do các tài xế tự tổ chức và rủ nhau cùng tham gia, chứ không có kế hoạch nào từ công ty.

“Anh em tài xế chúng tôi kết nối nhau trên Facebook. Một thành viên đã đề xuất ý tưởng họp mặt mọi người vào ngày cuối cùng và hầu như đều được tất cả tài xế ủng hộ”, anh giải thích.

Buổi gặp mặt không chỉ có tài xế nhiều năm gắn bó mà còn khá đông bạn trẻ là sinh viên hoặc mới ra trường muốn kiếm thêm thu nhập. Các bạn cho biết chỉ mới đầu quân cho Uber vài tháng.

“Hôm nay là ngày nghỉ, bọn mình ra đây chia tay cùng các anh. Mặc dù không biết lịch trình cụ thể thế nào, nhưng các anh đi đâu bọn mình sẽ theo đó”, một nữ sinh viên chạy UberMoto cho biết.

Nhiều tài xế cho biết cảm thấy rất vui khi ứng dụng Uber vẫn còn hoạt động trong sáng 8/4, bởi theo thông báo, hãng sẽ ngừng các hoạt động kinh doanh hôm nay.

“Tối qua, chúng tôi thức đến 0h để xem ứng dụng Uber có ngưng hoạt động không? Nửa đêm ai cũng bồi hồi, đến mức không dám mở ứng dụng luôn. Nhưng khi qua ngày mới, nó vẫn hoạt động. Nhiều người bảo 4h sáng, ứng dụng mới đóng. Tuy nhiên đến sáng nay, tài xế vẫn có thể đón khách. Thực sự rất mừng”, tài xế Võ Ngọc Trung nói.

Anh cũng cho biết thêm tối qua, trên nhóm cộng đồng tài xế Uber, nhiều thành viên đã gần như thức trắng để xem điều gì sẽ xảy ra với ứng dụng đặt xe. Nhưng rồi, tất cả đều thở phào nhẹ nhõm khi mở app họ thấy vẫn còn hoạt động.

Từ quận 6, gia đình chị Nguyễn Thị Kim Cương ẵm theo đứa bé 3 tuổi đi cùng diễu hành. (Ảnh: Phúc Minh)

Thức dậy từ sớm, chị Nguyễn Thị Kim Cương cùng chồng là anh Lương Văn Tuấn (quận 6, đối tác Uber gần một năm) tranh thủ đến điểm tập trung cho kịp với mọi người.

Vợ chồng chị mang theo cả đứa con nhỏ 3 tuổi. Chị cười: “Hôm nay chủ nhật nên không gửi con được. Vợ chồng tôi quyết định ẵm con đến đây luôn. Gắn bó bấy lâu nay không lẽ ngày cuối cùng, chúng tôi lại không đồng hành cùng mọi người”.

Theo chị Cương, mặc dù là phụ nữ nhưng khi chạy xe ôm chị không cảm thấy quá mệt, ngược lại còn có nhiều niềm vui. Chị kể về những kỷ niệm mình có được suốt thời gian chạy xe.

“Thấy mình là nữ khách hàng rất chia sẻ. Khách hàng nam thỉnh thoảng thấy tôi mệt nên bảo lại ngồi phía sau, để họ chở, hóa ra mình thành khách hàng hồi nào luôn. Mỗi khách hàng là một câu chuyện khác nhau. Tôi sẽ nhớ lắm”, chị bồi hồi nhớ lại.

Sau 24/4, thiếu ảnh chân dung, thuê bao di động sẽ bị khóa

Theo nghị định 49 năm 2017 của Chính phủ thì từ ngày 24/4/2018, tất cả thuê bao di động đều phải có thông tin chính xác (họ và tên, CMND, ngày cấp và nơi cấp…) bao gồm cả thông tin về đối tượng sử dụng số thuê bao đó và ảnh chụp chân dung của chủ thuê bao.

Tin nhắn kêu gọi khách hàng kiểm tra thông tin và đi bổ sung thông tin, ảnh chụp còn thiếu của nhà mạng Vinaphone gửi trong sáng 8-4. (Ảnh: Đức Thiện)

Đây là quy định nhằm quản lý thuê bao di động chặt chẽ hơn tránh tình trạng SIM rác và giúp bảo vệ thông tin của khách hàng tốt hơn. Theo quy định của nghị định 49, sau ngày 24/4/2018 số thuê bao chưa cập nhật đủ thông tin có khả năng sẽ bị khóa một chiều.

Do đó, các nhà mạng đã tiến hành nhắn tin đến các thuê bao chưa có thông tin chính xác, đặc biệt là chưa có ảnh chụp chân dung, cần đến các điểm giao dịch của nhà mạng để bổ sung, đảm bảo đúng theo quy định của Chính phủ.

Đại diện Viettel cho biết: “Khách hàng của Viettel được khuyến khích tới các điểm giao dịch đã được bố trí rộng khắp để được hỗ trợ và cung cấp thông tin. Việc chuẩn hóa thông tin thuê bao là biện pháp để khách hàng bảo vệ số thuê bao của mình, góp phần quản lý cơ sở dữ liệu chính xác, hạn chế SIM rác”, theo Tuổi Trẻ Online.

Viettel cũng cho biết họ đã bố trí và đào tạo nhân sự tại cửa hàng để đáp ứng lưu lượng khách hàng đến giao dịch tăng cao.

Viettel các tỉnh, thành phố cũng tổ chức các gian hàng lưu động về tận huyện, xã, các khu đông dân cư hoặc chợ phiên để phục vụ khách hàng bổ sung thông tin và ảnh chụp theo quy định.

Đại diện VinaPhone cũng cho biết trong những ngày tới, nhà mạng sẽ chủ động nhắn tin tới các thuê bao chưa cập nhật đủ thông tin và ảnh chân dung để mời khách hàng tới các của hàng VinaPhone hoàn thiện và cập nhật thông tin thuê bao, ảnh chân dung khách hàng.

“Ngoài ra, khách hàng cũng có thể soạn tin TTTB gửi 1414 để tự kiểm tra thông tin cá nhân liên quan đến số máy di động VinaPhone đang sử dụng để chủ động đăng ký thông tin bổ sung nếu thấy thông tin hiện có chưa đầy đủ và chính xác.

Để hỗ trợ khách hàng hoàn thiện thông tin thuê bao, VinaPhone sẽ mở tăng giờ phục vụ tại các điểm giao dịch trên toàn quốc đến 21 giờ hàng ngày, đồng thời mở thêm nhánh 3 của tổng đài 18001091 để tiếp nhận và giải đáp và tư vấn hướng dẫn khách hàng cập nhật thông tin thuê bao”, đại diện nhà mạng này cho biết thêm.

Mặc dù đã được nhắc đến rất nhiều từ năm 2017 nhưng nhiều khách hàng vẫn tỏ ra bất ngờ với việc phải bổ sung ảnh chụp chân dung.

Trong quy định của chính phủ, ngoài những thông tin hiện hành như chứng minh nhân dân, thông tin người dùng di động còn phải bao gồm “ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (đối với dịch vụ viễn thông di động)”. Ảnh chụp phải có thông tin về thời gian (ngày, giờ) chụp.

Điều này có nghĩa ngoài chứng minh nhân dân, người dùng cần phải cung cấp cả ảnh chụp chân dung thì mới đủ điều kiện làm chủ sở hữu hợp pháp của một SIM số.

Thắc mắc về chuyện chụp ảnh, anh Bùi Văn Hòa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: “Tôi không hiểu cần phải bổ sung ảnh chụp chân dung làm gì khi ảnh đó đã có sẵn trên chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước của mỗi người dùng”.

“Giờ những người dùng như tôi lại phải mất thời gian đến điểm giao dịch của nhà mạng để chụp ảnh. Rất thủ công và rất mất công”.

“Liệu nhà mạng có thể có cách nào khác để khách hàng có thể tự cập nhật ảnh chân dung của mình từ xa hay qua mạng internet được không. Giờ đông đảo khách hàng chúng tôi lại phải đi xếp hàng để chụp ảnh chân dung rất mất thời gian và công sức”.

“Tôi tin vì quyền lợi của mình, khách hàng sẽ gửi hình ảnh trung thực của họ. Trong trường hợp người dùng gửi sai, nhà mạng có thể đối chiếu và chặn liên lạc sau đó cũng không muộn”, chị Hải Hà (quận 2, TP.HCM) đưa ra đề xuất.

Đặt vấn đề rộng hơn, anh Bùi Hoài Vũ (quận Tân Phú, TP.HCM) cho rằng: “Nhà mạng thu thập thông tin để bảo vệ người dùng là tốt nhưng tôi thấy họ mới chỉ làm được một nửa. Đó là họ đang cố gắng đảm bảo thu thập đầy đủ thông tin theo quy định pháp luật, còn việc bảo vệ người dùng thì tôi vẫn chưa thấy đâu. Các vấn nạn lừa đảo, spam quảng cáo, quấy rối qua điện thoại di động vẫn xảy ra liên tục”.

Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả một ngày đầu tuần làm việc hiệu quả!

———–

Đại Kỷ Nguyên News

Exit mobile version