Đại Kỷ Nguyên

CHÀO BUỔI SÁNG: Cha mẹ già vượt nghìn dặm vào Nam ăn Tết cùng con, Gần 1.000 người bảo đảm an ninh đường hoa Nguyễn Huệ

Niềm vui của ông Tiễu và vợ trong lần gặp mặt đủ con cháu sau hơn 10 năm. (Ảnh: Phan Thân)

Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 15/2 xin gửi đến quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau: 

Cha mẹ già vượt nghìn dặm vào Nam ăn Tết cùng con

Trong khi các gia đình khác đang háo hức chờ các con xa quê về sum họp thì vợ chồng ông Tiễu (64 tuổi, ở xã Phương Định, huyện Trực Ninh) ngược lại, đóng hành lý lên đường vào miền Nam ăn Tết với các con.

Hành lý họ mang theo rất nhiều nhưng chủ yếu là rau củ quả tự trồng, vật liệu gói bánh chưng và thực phẩm chuẩn bị cho cỗ Tết.

Được biết, ông Tiễu có ba người con, hai trai một gái đều có gia đình riêng và lập nghiệp tại TP. HCM và Bình Dương. Hơn 10 năm qua, gia đình ông chưa một lần đón Tết có đông đủ con cháu. Vì cuộc sống khó khăn, con nhỏ, đường xá xa xôi, chi phí đi lại tốn kém, các con ông phải chia nhau về. Có năm, ông bà phải đón tết trong lặng lẽ.

“Chúng nó về, con nhỏ, tay xách nách mang mà chỉ ở với bố mẹ vài hôm lại lích kích đi, thương và xót lắm. Tôi tự nhủ, chi phí đi lại ngày Tết từ quê vào thành phố rẻ hơn, tại sao mình không kết hợp vừa đi thăm con, vừa cùng chúng nó đón tết lại được du lịch đây đó”, ông Tiễu cho hay.

Nhà ông bà Tiễu mưu sinh bằng nghề chăn nuôi và nấu rượu bỏ cho các quán. Còn khoảng một tháng nữa mới đến ngày đi, ông bán hết số lợn, gà, vịt đang nuôi. Rượu thì nấu ngày đêm, làm sao đủ số lượng bỏ cho các mối quen bán trong những ngày mình đi vắng.

Trong vườn, ông bà trồng thêm các loại rau, chăm sóc kỹ để chúng không sâu bệnh, héo úa. Số trứng gà, vịt đẻ được ông bà giữ lại, phủ trấu để không bị ung.

Số trứng gà, vịt đẻ trong một tháng, ông bà Tiễu giữ lại, phủ nhiều lớp trấu để đưa vào Sài Gòn làm quà. (Ảnh: Phan Thân)

Ông mua mấy gốc sâm, mang về gỡ từng thớ đất rồi gói ghém cẩn thận. Tất cả ông bà đều mang vào làm quà cho các con. “Mọi việc đều hoàn tất trước ngày đi một tuần, tôi chỉ giao nhà cho cậu em trông là yên tâm lên đường”, ông cho biết.

Chiều 30, ông Tiễu sẽ thắp hương cho tổ tiên, tổ chức tiệc tất niên. Thời khắc giao thừa, cả nhà ông sẽ quây quần bên nhau, đặt ra những dự định trong năm mới. Những ngày sau đó, họ sẽ cùng nhau đi chùa, đi du lịch, thăm anh em họ hàng.

“Đi xe vất vả một chút nhưng được ăn tết đầy đủ con cháu, tôi vui lắm. Nếu năm sau có điều kiện và sức khỏe, vợ chồng tôi lại tiếp tục đón tết miền Nam”, ông Tiễu cho biết.

Gần 1.000 người bảo đảm an ninh đường hoa Nguyễn Huệ

Để đảm bảo an ninh trên đường hoa Tết Mậu Tuất 2018, TP. HCM sẽ huy động 500 cảnh sát, bộ đội cùng 400 bảo vệ… túc trực 24/24h trong suốt 7 ngày.

Vào ngày 13/2, ông Vũ Ngọc Sơn, Chánh văn phòng Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Trưởng ban an ninh đường hoa Nguyễn Huệ, quận 1) cho biết, như mọi năm, công tác bảo đảm an ninh ở đường hoa luôn được xem trọng, đảm bảo cho người dân, du khách, theo VnExpress.

Đây chính là dịp các băng nhóm ở Thành phố và cả các tỉnh khác tìm đến trà trộn, giả dạng du khách để trộm cướp tài sản. Ban tổ chức đã phối hợp Công an TP. HCM, lực lượng chức năng quận 1 lên kế hoạch thực hiện.

Đường hoa Nguyễn Huệ dài 720m. (Ảnh: Quỳnh Trần)

“Ngoài hệ thống camera an ninh giám sát suốt đường hoa và đường sách, sẽ có nhiều nhóm cảnh sát cơ động, trật tự, hình sự hóa trang… bắt giữ tội phạm, hạn chế thấp nhất các trường hợp cướp giật”, ông Sơn nói.

Khu vực đường hoa Nguyễn Huệ được chia thành nhiều lớp bảo vệ 24/24. Ở vòng ngoài do lực lượng công an (thành phố, quận 1, phường Bến Nghé), Ban chỉ huy quân sự và TNXP… tổng cộng hơn 500 người đảm nhận. An ninh phía trong sẽ do 400 nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp phụ trách.

Mỗi khu vực lại chia thành các góc, vị trí cụ thể và giao cho các nhân sự bảo đảm an ninh, trật tự tốt nhất.

Phía đại diện Tổng công ty Du lịch Sài Gòn vẫn khuyến cáo người dân khi đến tham quan đường hoa không nên chủ quan, cẩn trọng khi chụp ảnh và nhất là không nên mang nhiều tư trang, theo Vietnamnet.

Đây là lần thứ 15 đường hoa dài 720m được tổ chức. Linh vật được lấy cảm hứng từ chú chó Phú Quốc với đặc tính nhanh nhẹn, thông minh, gan dạ. Đường hoa sẽ mở cửa đến 19/2 (Mùng 4 Tết).

Hà Nội không tổ chức phố đi bộ dịp Tết Nguyên đán

Để tạo điều kiện cho người dân và du khách đi lại thuận tiện trong dịp Tết Nguyên đán, Hà Nội không tổ chức hoạt động phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm vào các ngày từ 16-18/2 (tức mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết).

Người dân và du khách mừng chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục tối 23/1. (Ảnh: Giang Huy)

Ông Đinh Hồng Phong, Phó chủ tịch quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, quận Hoàn Kiếm không tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ Hà Nội, theo VTC.

Cụ thể, vào các ngày từ 16-18/2 (tức mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết), không tổ chức hoạt động không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận.

Từ tối thứ sáu (ngày 23/2, tức mùng 8 tháng Giêng), không gian đi bộ tiếp tục hoạt động phục vụ người dân du xuân và dự các lễ hội đầu năm mới.

Theo kế hoạch của Thành phố, vào đêm Giao thừa, khu vực này tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và bắn pháo hoa chào mừng năm mới Mậu Tuất 2018.

Do đó, để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông cho người dân vui chơi, đón giao thừa, quận Hoàn Kiếm sẽ cấm đường, phân luồng giao thông khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm từ 19h30 ngày 15/2 đến 1h ngày 16/2.

Tương tự, khu phố cổ Hà Nội (Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, chợ Đồng Xuân, Tạ Hiện…) cũng sẽ không tổ chức không gian đi bộ trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 và tuần đầu tiếp theo sau Tết, cụ thể là các ngày 16, 17, 18/2 và 23, 24, 25/2.

Từ tối thứ sáu ngày 2/3, quận Hoàn Kiếm tiếp tục tổ chức hoạt động không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội để phục vụ nhu cầu của người dân và du khách.


Bản tin “CHÀO BUỔI SÁNG” được Đại Kỷ Nguyên phát hành vào buổi sáng hàng ngày. Quý độc giả có thể tải ứng dụng DKN.TV trên điện thoại di động tại Google Play hoặc App Store để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Thanh Thanh

Exit mobile version