Đại Kỷ Nguyên

CHÀO BUỔI SÁNG: Mưa lớn ở Sài Gòn làm nhiều cây xanh bật gốc đè vào nhà và ôtô, Bé trai 11 tuổi hôn mê sâu sau khi uống 1 lít rượu

Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 27/5 xin gửi đến quý độc giả những tin đáng chú ý sau: 

Mưa lớn ở Sài Gòn, nhiều cây xanh bật gốc, đè vào nhà và ôtô

Chiều 26/5, mưa kèm gió mạnh đã quật ngã một cây xà cừ cổ thụ trên đường số 5, phường 17 (quận Gò Vấp, TP.HCM). Vụ việc khiến nhiều người đi đường hốt hoảng, bỏ chạy, theo Zing.


Cây ngã đè xe tải và đường dây điện trên đường số 5, quận Gò Vấp. (Ảnh:  Thuận Lâm)

Tại hiện trường, một cây xà cừ có đường kính khoảng 1m, cao khoảng 15m đổ chắn ngang đường. Một phần thân cây đè lên đường dây điện, kéo đổ 2 trụ điện.

Ngoài ra, cây xà cừ này cũng đè đuôi chiếc xe tải đậu ở lề đường khiến phần đầu ôtô bị nhấc bổng.


Cây đổ kéo gãy 2 trụ điện. (Ảnh:  Thuận Lâm)

Cũng trong trận gió lốc chiều cùng ngày, một cây xanh trên đường Nguyễn Oanh (phường 17, quận Gò Vấp) bị tét nhánh đè sập mái tôn của nhà dân.


Dông lốc khiến mái hiên nhà dân trên đường Nguyễn Oanh đổ sập. (Ảnh:  Thuận Lâm)

Gió giật mạnh cũng khiến một cây xanh cao khoảng 20m trên quốc lộ 1 (quận 12) bật gốc. Đến tối 26/5, nhân viên cây xanh và điện lực vẫn đang khắc phục sự cố.

2 đoàn tàu tông trực diện ở Quảng Nam, nhiều toa trật khỏi đường ray

Vào khoảng 16h20 ngày 26/5, tàu hàng mang số hiệu ASY2 do anh Nguyễn Đình Sáng điều khiển đi vào ga Núi Thành (Quảng Nam) theo hướng Nam Bắc. Cùng thời điểm lái tàu Dương Trần Chí Hiếu đưa tàu hàng 2469 chạy hướng ngược lại và hai đoàn tàu đã tông trực diện vào nhau, theo VnExpress.

Nhiều toa tàu trượt khỏi đường ray. (Ảnh: Đắc Thành)

Tại hiện trường, đầu máy hai đoàn tàu hư hỏng nặng, 4 toa trật khỏi đường ray khiến hàng hóa tràn xuống đường.

Ông Lê Văn Sinh – Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam cho biết, nguyên nhân ban đầu được xác định là do hai đoàn tàu cùng chạy vào một ray phụ. Sự việc khiến 100m đường ray bị hư hỏng.

Vụ tai nạn cũng khiến lái tàu Dương Trần Chí Hiếu bị thương nhẹ.

Nhiều toa tàu trượt khỏi đường ray. (Ảnh: Đắc Thành)

Tối cùng ngày, ông Cao Minh Hỷ – Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Nghĩa Bình cho biết, phương tiện cẩu đường bộ từ phía Bắc không thể vào hiện trường nên công tác cứu hộ gặp khó khăn.

Lực lượng chức năng đã kéo các toa tàu còn nguyên vẹn về hai ga khác và thu gom hàng hóa trên từng toa để xếp lên xe tải vận chuyển theo yêu cầu của chủ hàng.

Dự kiến đến khoảng 7h ngày 27/5, cẩu đường sắt từ phía Nam mới được huy động đến hiện trường để thông tuyến. (Chi tiết)

Bé trai 11 tuổi hôn mê sâu sau khi uống một lít rượu

Chiều 25/5, khoa Hồi sức chống độc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, đã tiếp nhận một bệnh nhân Và Bá Nênh (11 tuổi, ở Kỳ Sơn, Nghệ An) nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì ngộ độc rượu, theo Zing.

Người nhà bệnh nhi cho biết, trong khi bố mẹ đi làm, Nênh ở nhà chơi với nhóm bạn hàng xóm. Cả nhóm thấy bình rượu để trong nhà nên thách nhau uống rượu và Nênh đã uống hơn 1 lít.

Bệnh nhi này sau đó bị rối loạn ý thức, kích thích vật vã, khó thở, nôn nhiều, sốt liên tục 39 độ, hôn mê, li bì.

Trước đó, bệnh nhi đã được điều trị ở Bệnh viện đa khoa huyện Kỳ Sơn nhưng không đỡ.

Sau đó, ngày 11/5 em được chuyển đến bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để tiếp tục cấp cứu, điều trị.

Bé trai nhập viện trong tình trạng bị tổn thương não nghiêm trọng. (Ảnh: Vietnamnet)
Sức khỏe của bệnh nhi vẫn chưa thể hồi phục, chưa nhận thức được mọi việc xung quanh. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Sau hai tuần điều trị, hiện bệnh nhân được hồi sức tích cực và thở máy, chuyển sang khoa Thần kinh – Phục hồi chức năng để theo dõi và điều trị tiếp.

Tuy nhiên, các bác sỹ cho biết, bệnh nhân vẫn trong tình trạng suy hô hấp tuần hoàn, rối loạn chuyển hóa, các cơ quan thần kinh não bị tổn thương nghiêm trọng và chưa nhận thức được mọi việc xung quanh. 

Sẽ tổ chức thi THPT quốc gia trên máy tính từ năm 2021

Đây là một điểm mới đáng lưu ý trong Đề án đổi mới thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng vừa được Bộ GD&ĐT thu hồi để tiếp tục hoàn thiện, theo Zing.

Theo Đề án, năm học 2017-2018 tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình phổ thông hiện hành và từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Sẽ tổ chức thi THPT quốc gia trên máy tính từ năm 2021. (Ảnh : Zing)

Về bài thi, môn thi, trong các năm 2018, 2019 và 2020, được giữ ổn định như năm 2017. Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.

Bộ GD&ĐT cho biết, để triển khai định hướng thi trên máy tính từ năm 2021 nên cần chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, thiết bị phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi trên máy tính, phần mềm quản lý và tổ chức thi. 

Dự kiến, sẽ xây dựng 25 trung tâm tổ chức vệ tinh của bộ tại nhiều khu vực khác nhau trên cả nước, để triển khai tổ chức thi thử nghiệm trên máy tính giúp thí sinh ở các tỉnh giảm chi phí đi lại, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện ngân hàng đề thi. 

Đề thi được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở đòi hỏi thí sinh phải vận dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp, liên môn, kinh nghiệm sống, hiểu biết xã hội để trả lời. Đề thi không đặt nặng yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn…

Thực tế cho thấy, việc tổ chức bài thi THPT quốc gia trên máy tính cũng đã được đặt ra ngay từ thời điểm Bộ GD&ĐT chuyển đổi hầu hết môn thi từ tự luận sang hình thức thi trắc nghiệm và xây dựng ngân hàng đề thi theo hướng đánh giá năng lực.

Tuy nhiên, do số lượng thí sinh dự thi THPT quá đông nên để làm được điều này, cần phải có đủ thời gian để chuẩn bị về điều kiện cơ sở vật chất, máy móc, hạ tầng kỹ thuật và ngân hàng đề thi.

UBND Quận Thanh Khê đính chính về phát biểu “người quay clip bạo hành trẻ sẽ bị xử lý”

Liên quan đến thông tin xử lý người quay clip vụ bạo hành trẻ tại nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười (phường Chính Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng), ngày 26/5, ông Nguyễn Thanh Xuân, phó chủ tịch UBND quận Thanh Khê, nói rằng ông xin đính chính lại cho rõ.

“Nếu cơ quan chức năng điều tra, xác minh việc tung clip lên mà đúng, cung cấp chứng cứ để xử lý nạn bạo hành thì xứng đáng được tuyên dương, khen thưởng. Còn nếu tung lên không phải vì động cơ trong sáng phải răn đe, giáo dục chứ không phải xử lý là hình sự”, ông Xuân nêu ý kiến. 

Trước đó, chiều 25/5, tại buổi cung cấp thông tin liên quan đến vụ bạo hành trẻ tại nhóm độc lập Mẹ Mười, ông Xuân phát biểu rằng clip quay cảnh bạo hành trẻ tại cơ sở Mẹ Mười là vào tháng 4, và đến ngày 21/5 mới tung lên mạng xã hội. 

Ông Nguyễn Thanh Xuân tại buổi cung cấp thông tin vào chiều 25/5. (Ảnh: Đoàn Cường)

“Quận cũng chỉ đạo kiểm tra, giao cho các cơ quan chức năng tìm nguyên nhân. Chúng tôi sẽ xử lý người quay clip vì sao đã quay từ tháng 4, đúng ra khi phát hiện bạo hành phải cung cấp cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có biện pháp phòng ngừa nhưng vì sao để mãi đến tháng 5 mới đưa lên mạng xã hội”, ông Xuân nói.

Phát biểu của ông Xuân đã khiến dư luận phản ứng dữ dội vì cho rằng cách xử lý của quận Thanh Khê không phù hợp.

Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả một ngày cuối tuần may mắn và nhiều niềm vui!

———–—

Đại Kỷ Nguyên News

Exit mobile version