Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 23/11 xin gửi đến quý độc giả những tin đáng chú ý sau:
Trạm sạc xe điện VinFast Klara hoàn toàn miễn phí xuất hiện tại hệ thống Vinmart+
Thông tin từ VinFast, song song với việc giới thiệu mẫu xe điện Klara, VinFast đã triển khai trạm sạc xe điện tại một số chi nhánh của Vinmart+ Hà Nội. Đặc biệt, khách hàng khi sạc điện tại đây hoàn toàn không mất phí, theo VTC News.
Đại diện VinFast cho biết, chỉ duy nhất xe VinFast Klara có thể sạc được tại đây: “Các dòng xe điện khác (không phải là VinFast Klara) trên thị trường không thể sạc được tại các trạm sạc Vinmart+”. (Xem thêm)
Đề xuất bỏ quy định thời hạn sử dụng đất nông nghiệp 50 năm
Ngày 22/11, tại hội thảo “quyền và lợi ích của hộ nông dân trong tích tụ, tập trung ruộng đất”, TS Nguyễn Hữu Thọ cho biết, để tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn thưởng phải có ba loại đất gồm: Đất nông nghiệp để sản xuất, đất nông nghiệp để xây nhà kính, kho chứa và đất phi nông nghiệp xây trụ sở, nhà điều hành.
“Hiện một thửa đất nông nghiệp được Nhà Nước giao đất có thời hạn là 50 năm. Quy định này dẫn đến việc các hộ dân chỉ muốn cho thuê lại10 năm, 20 năm. Trong khi đó, chu kỳ tài sản của doanh nghiệp thường dài, nếu chỉ 50 năm là ngắn đối với chu kỳ sản xuất thứ hai trở đi. Vậy, doanh nghiệp nào sẽ đầu tư quy mô lớn?”, ông Thọ đặt vấn đề.
Báo VnExpress đưa tin, các chuyên gia của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) kiến nghị bỏ quy định về thời hạn sử dụng đối với đất nông nghiệp hoặc cho sử dụng ổn định lâu dài giống như đất phi nông nghiệp. Cùng với đó, để đề phòng những tình huống cần thiết thì luật có thể bổ sung thêm các trường hợp được thu hồi đất nông nghiệp.
CIEM cũng kiến nghị sửa đổi cách thức lập quy hoạch đất đai, chia thành hai nhóm: Quy hoạch “cứng” và “mềm”. Quy hoạch cứng là những loại đất không được chuyển đổi mục đích sử dụng trong mọi trường hợp, như đất vườn quốc gia, đất 2 lúa… Còn những loại đất nông nghiệp khác có thể tự chuyển đổi mục đích sử dụng linh hoạt, chính quyền địa phương tự quyết định.
Ngoài ra, Luật đất đai 2013 chỉ cho phép mỗi hộ được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp không quá 10 lần hạn mức giao đất. Cụ thể, đối với hộ nông dân ở đồng bằng sông Hồng không quá 22 ha/hộ, ở đồng bằng sông Cửu Long không quá 33 ha/hộ. Ông Thọ cho rằng điều này đang hạn chế tích tụ ruộng đất ở hộ gia đình, đồng thời khiến việc quản lý đất đai khó khăn hơn.
“Người dân ngại khai báo, sử dụng nhiều hình thức đăng ký khác nhau để tránh vướng hạn mức. Để hộ nông dân tích tụ nhiều ruộng đất, phát triển thành doanh nghiệp, hạn mức như vậy là quá cứng, cần được giãn lớn hơn”, ông Thọ nói.
Việt Nam lên tiếng về khai thác dầu khí giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông
Báo Zing thông tin, trong cuộc họp báo ngày 22/11, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc và Philippines ký biên bản ghi nhớ về hợp tác khai thác dầu khí tại Biển Đông.
Bà Nguyễn Phương Trà nói: “Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông bao gồm vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền và lợi ích hợp pháp trên biển rất rõ ràng, nhất quán và đã được nêu nhiều lần”.
“Hợp tác khai thác dầu khí giữa Philippines và Trung Quốc tại Biển Đông chỉ có thể tiến hành tại các khu vực mà hai nước có chủ quyền và quyền chủ quyền theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982”, bà Nguyễn Phương Trà nói.
(Xem thêm)
Bão số 9 (Usagi) giật cấp 12, hướng thẳng bờ biển Nam Trung Bộ
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hôm nay (23/22), bão số 9 (tên quốc tế Usagi) tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km. Đến 19h tối nay, tâm bão cách bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ khoảng 280 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/h), giật cấp 12.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh.
Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km, đi vào đất liền các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ với cường độ mạnh cấp 8, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 4h ngày 25/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/h), giật cấp 9.
Từ 48-60 giờ kế tiếp, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 25/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ngay trên đất liền các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/h).
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa phía Tây hoàn lưu bão số 9, từ trưa nay ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị – Bình Thuận có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8. Thừa Thiên Huế – Bình Thuận và Nam Tây Nguyên có mưa rất to (300-500 mm/đợt). Trong cơn giông đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ từ 22-31 độ C.
Từ ngày 24-27/11, trên các sông từ Quảng Trị – Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị – Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên khả năng trên báo động 2. Các sông từ Quảng Ngãi – Bình Thuận ở mức báo động 2 – trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị.
Chuyên mục kính chúc quý độc giả một ngày làm việc hiệu quả!
Đại Kỷ Nguyên News