Đại Kỷ Nguyên

CHÀO BUỔI SÁNG: Từ 16/4, bắt đầu cao điểm xử lý vi phạm giao thông, 3 tàu hộ vệ tên lửa và tiếp tế Australia sắp cập cảng Sài Gòn, Mưa lớn kèm lốc xoáy giật tung 600 mái nhà

Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 15/4 xin gửi đến quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau:

Từ 16/4, bắt đầu cao điểm xử lý vi phạm giao thông

Từ ngày 16/4, Phòng Cảnh sát giao thông, công an các đơn vị, địa phương bắt đầu triển khai đợt cao điểm xử lý vi phạm giao thông.

(Ảnh minh họa: Dân trí)

Để đảm bảo an toàn trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an vừa chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông, công an các đơn vị, địa phương mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. 

Cục Cảnh sát giao thông yêu cầu các đơn vị phải chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tuần tra, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông; tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông; xử lý các hành vi vi phạm trên tuyến đường sắt và đường thủy nội địa. Cục Cảnh sát cũng yêu cầu các địa phương phát hiện, xử lý nghiêm tình trạng nhồi nhét khách, chở hàng quá tải.

Thời gian thực hiện đợt cao điểm là từ ngày 16/4 – 15/5.

3 tàu hộ vệ tên lửa và tiếp tế Australia sắp cập cảng Sài Gòn 

Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, 3 tàu Hải quân Hoàng Gia Australia là Hmas Anzac, Hmas Toowoomba và Hmas Success cùng 73 sĩ quan và 569 thủy thủ sẽ cập cảng Sài Gòn ngày 19/4.

Chuyến thăm nhằm tăng cường mối quan hệ giữa hải quân hai nước, kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao cũng như quan hệ đối tác chiến lược được ký kết gần đây giữa Australia và Việt Nam.

Đây là lần thứ hai kể từ năm 2001, Australia có ba tàu Hải quân đến Việt Nam cùng lúc, theo VnExpress.

Trong 4 ngày ở Tp.HCM, thuyền trưởng và thủy thủ đoàn sẽ tiếp kiến các sĩ quan cao cấp Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Ngoài ra, đoàn hải quân Hoàng gia Australia còn giao lưu, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động trên tàu hải quân bao gồm CUES (bộ quy tắc ứng xử cho những chạm trán ngoài ý muốn trên biển), PASSEX (diễn tập ngắn), hậu cần và công tác y tế trên biển, tìm kiếm cứu nạn.

Tàu tiếp tế Hmas Success. (Ảnh: VnExpress)

(Xem chi tiết)

Mưa lớn kèm lốc xoáy giật tung 600 mái nhà ở Đắk Lắk 

Vào sáng 14/4, ông Nguyễn Đình Toản – Phó Chủ tịch huyện Ea Súp, (Đắk Lắk) cho biết, mưa lớn kèm lốc xoáy xảy ra chiều tối qua làm ít nhất 3 người bị thương nặng phải nhập viện điều trị, theo Dân Việt.

Khoảng 600 ngôi nhà bị sập, tốc mái, nhiều trường học, trạm y tế bị hư hỏng, nhiều cột điện bị gãy đổ và hàng nghìn héc ta cây trồng bị hư hại… Gây thiệt hại nặng nề cho người dân trong huyện thuộc các xã Cư M’lan, Ea Bung, Ea Rốk, Ea Lê, Ia R’vê, Ya T’mốt và thị trấn Ea Súp.

Hàng trăm nhà dân bị tốc mái sau trận mưa, lốc. (Ảnh: Dân Trí)
Lốc xoáy bay mái tôn khiến nhiều căn nhà bị hư hỏng. (Ảnh: Dân Việt)
Nhà dân bị lốc xoáy cuốn mái ngói vỡ tan nát. (Ảnh: Daubao)
Căn nhà bị tốc mái hoàn toàn. (Ảnh: Daubao)
Trận mưa kèm lốc gây thiệt hại lớn về kinh tế. (Ảnh: Daubao)

Lực lượng chức năng đã rà soát lại số nhà dân và tài sản thiệt hại. Cử người xuống địa bàn hỗ trợ dân khắc phục nhà đổ, thu hoạch lúa và hoa màu để họ sớm ổn định cuộc sống.

Tp.HCM lắp camera ở các trường mầm non để ngăn chặn bạo hành

Các quận huyện có nhiều nhóm trẻ tư thục và từng xảy ra nạn bạo hành trẻ em sẽ được lắp camera. Thời gian thực hiện thí điểm bắt đầu từ năm học 2018-2019.

Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thị Thu vừa yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo từ năm học 2018-2019 lắp camera ở các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo cả tư thục và công lập. Thành phố hiện có trên 50% trường tư thục với hơn 1.800 nhóm lớp mầm non.

Theo VnExpress, trước đây, ngành giáo dục không khuyến khích lắp camera do lo ngại ảnh hưởng tâm lý giáo viên, học sinh. Tuy nhiên, thời gian gần đây xảy ra nhiều trường hợp trẻ mầm non bị bạo hành về tinh thần và thân thể tại các nhóm lớp, trường mầm non tư thục và công lập.

Điển hình là hồi tháng 11/2017, bà Phạm Thị Mỹ Linh (chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh, quận 12) cùng hai bảo mẫu đã đánh đập hơn 20 trẻ trong các bữa ăn. Nhiều bé bị tát liên tiếp vào mặt, bị đánh bằng muỗng múc canh, đập bình nhựa vào đầu; thậm chí ném vào tường, đạp vào bụng.

Sau khi bị bắt, bà Linh khai do các cháu bé hiếu động, không nghe lời nên phải đánh để cho các bé ngoan. Người này cùng hai bảo mẫu sắp bị đưa ra xét xử về hành vi Hành hạ người khác.

Một cảnh tượng bạo hành trẻ em ở cơ sở Mầm Xanh, quận 12 (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Mới đây nhất, ở Trường Mầm non 30-4 (phường Bến Nghé, quận 1), nơi xảy ra sự việc cô Trần Thị Bích Ngọc đánh trẻ trong giờ ngủ trưa và bị quay clip, còn hỏi các bé ‘là thú hay người, là người sao không biết nghe lời cô’. Cô Ngọc cũng bị phụ huynh phản ánh là hay phạt các bé đứng ăn, số cơm thì chỉ cho các bé ăn 2/3, còn lại đổ đi; cho các em vào nhà vệ sinh trơn trợt để thay quần áo thay vì ở phòng.

Ngày 12/4, bà Võ Thị Thanh Loan – hiệu trưởng Trường mầm non 30-4, xác nhận có cô Ngọc giảng dạy tại lớp Lá 1 và hiện tại đã bị đình chỉ công tác. Trường vừa tổ chức họp phụ huynh khối lớp Lá để xin lỗi sau clip cô giáo đánh trẻ.

Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả một ngày cuối tuần vui vẻ!

———–

Đại Kỷ Nguyên News

Exit mobile version