Đại Kỷ Nguyên

CHÀO BUỔI SÁNG: ‘Vinaca là sản phẩm bất hợp pháp, sao lại tôn vinh?’, Khoảng 30 triệu thuê bao sẽ bị cắt liên lạc vào ngày 25/4

Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 25/4 xin gửi đến quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau:

Cục trưởng ATTP: Vinaca là sản phẩm bất hợp pháp, sao lại tôn vinh?

Liên quan đến sản phẩm Vinaca trộn bột than tre, chiều 24/4, Cục trưởng An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cho biết, bản thân ông cũng thấy khó hiểu khi công ty này này từng được vinh danh Top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam, theo Vietnamnet .

Cục trưởng ATTP cho biết, Vinaca cố tình lập lờ giữa thuốc và thực phẩm chức năng. (Ảnh: Vietnamnet)

“Về nguyên tắc, phải tuân theo luật Thi đua khen thưởng và phải có sự tham gia của các cơ quan chuyên ngành quản lý lĩnh vực đó. Vừa qua, đơn vị trao thưởng nói chỉ tôn vinh thương hiệu, còn không quan tâm đến chất lượng sản phẩm thì việc làm đó là không được”, ông Phong nói. 

Ông Phong cho rằng, không chỉ cần quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn phải quan tâm thêm nhiều yếu tố khác như: Môi trường, thuế, chính sách bảo hiểm, đời sống của người lao động…, không thể tôn vinh 1 doanh nghiệp đang nợ thuế.

“Sản phẩm của Vinaca chưa được cơ quan nào cho phép lưu hành. Một sản phẩm bất hợp pháp như thế tại sao lại tôn vinh?”, ông Phong nêu.

Cục trưởng ATTP cho biết, trên nhãn sản phẩm của Vinaca ghi không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh, tuy nhiên lại ghi công dụng điều trị, điều này trái với quy định của luật Dược.

“Doanh nghiệp này đã lập lờ trong ghi nhãn sản phẩm giữa thuốc và thực phẩm chức năng. Nhưng dù là thực phẩm chức năng, thuốc hay thiết bị y tế liên quan đến sức khoẻ con người mà lưu hành bất hợp pháp là hành vi đáng lên án và cần xử lý nghiêm”, ông Phong nhấn mạnh.

>>> Phát hiện cơ sở sản xuất thuốc ung thư từ… bột than tre

Nghị định 49 vẫn được thực thi, khoảng 30 triệu thuê bao sẽ bị cắt liên lạc vào ngày 25/4

Theo con số mà các nhà mạng chia sẻ, đến ngày 24/4 vẫn còn khoảng 30 triệu thuê bao chưa đăng ký lại thông tin cá nhân. Hiện các nhà mạng đã huy động toàn bộ nhân viên và các đại lý ủy quyền mở điểm đăng ký thông tin đến tận đêm nhưng toàn bộ hệ thống này đang quá tải.

Như vậy, đến hết ngày 24/4, số thuê bao này chắc chắn không thể thực hiện đăng ký xong thông tin cá nhân, theo ICTnews .

Được biết, tuy 24/4 là hạn chót để các thuê bao đăng ký lại thông tin cá nhân nhưng số lượng người đi đăng ký lại giảm hơn so với những ngày trước đó. Một cửa hàng của Viettel tại Hà Nội cho hay, mấy ngày trước có khoảng 500 người đến đăng ký thì hôm nay dự kiến chỉ có khoảng 200 người đến đăng ký lại thông tin cá nhân.

Nguyên nhân được cho là tâm lý khách hàng chững lại sau khi truyền thông đưa tin các nhà mạng vẫn chưa cắt liên lạc của thuê bao chưa đăng ký thông tin sau ngày 24/4.

(Ảnh minh họa)

Một nhà mạng lớn cho biết, đã gửi văn bản báo cáo lên Cục Viễn thông về vấn đề này và xin được lùi thời hạn áp dụng Nghị định 49 của Chính phủ đang quy định hạn chót là ngày 24/4/2018. 

Tuy nhiên, Cục Viễn thông cho biết, Nghị định 49 vẫn được thực thi và ngày 24/4/2018 là mốc thời gian doanh nghiệp viễn thông phải bảo đảm toàn bộ các thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu tập trung của mình tuân thủ đúng quy định tại Nghị định 49.

Còn việc tạm dừng, chấm dứt cung cấp dịch vụ đối với các thuê bao sẽ chỉ được thực hiện nếu chủ thuê bao cố tình không tuân thủ việc cập nhật, bổ sung thông tin thuê bao khi đã nhận được thông báo từ doanh nghiệp theo quy trình như mô tả tại Điểm e, Khoản 8, Điều 1 của Nghị định 49.

“Việc tạm dừng, chấm dứt cung cấp dịch vụ đối với các thuê bao sẽ chỉ được thực hiện nếu chủ thuê bao cố tình không tuân thủ việc cập nhật, bổ sung thông tin thuê bao khi đã nhận được thông báo từ doanh nghiệp theo quy trình được quy định tại Điểm e, Khoản 8, Điều 1 của Nghị định 49.

Theo đó, đối với thuê bao di động có thông tin thuê bao không đúng quy định, doanh nghiệp phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần để yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện bổ sung, cập nhật thông tin thuê bao.

Sau ngày này mà thuê bao không đăng ký lại thông tin cá nhân thì nhà mạng sẽ phải cắt một chiều (chiều đi). Thời gian cắt liên lạc 1 chiều là 15 ngày và sau đó sẽ cắt liên lạc 2 chiều (cả chiều gọi đi và đến) của thuê bao với thời gian là 15 ngày nữa.

Sau 1 tháng kể từ khi cắt 2 chiều mà thuê bao vẫn không đi đăng ký lại thông tin cá nhân sẽ bị chấm dứt hợp đồng và thu hồi số điện thoại theo đúng quy định”, đại diện Cục Viễn thông nói.

“Nếu nhà mạng chưa thông báo qua SMS cho khách hàng thì không được quyền cắt liên lạc của thuê bao” đại diện Cục Viễn thông nói thêm.

Tin nhắn kêu gọi khách hàng kiểm tra thông tin và đi bổ sung thông tin, ảnh chụp còn thiếu của nhà mạng Vinaphone gửi trong sáng 8/4. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Đại diện Cục Viễn thông cho biết, Nghị định 49 đã được ban hành từ năm 2017. Thế nhưng, nhà mạng đã không tích cực thông báo sớm cho khách hàng để đến thời hạn chót thông báo, dẫn tới tình trạng khách hàng đổ xô đi đăng ký lại thông tin cá nhân, hệ thống bị quá tải.

Theo đại diện Cục Viễn thông, mốc 24/4/2018 là thời điểm doanh nghiệp phải bảo đảm cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của mình đã tuân thủ hoàn toàn theo các quy định tại Nghị định 49 với cơ quan quản lý nhà nước.

Sau thời điểm này, bất kỳ lúc nào cơ quan quản lý cũng có thể tiến hành thanh, kiểm tra và xử phạt doanh nghiệp nếu phát hiện có thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu không đúng quy định.

Hé lộ đích đến thực sự của ba cây đa đang ‘mắc kẹt’ ở Huế

Liên quan đến vụ 3 cây đa khổng lồ ‘mắc kẹt’ ở Huế sau khi bị CGST xử phạt, ông Bùi Huy Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và vận tải Hùng Dũng (có trụ sở tại Hà Nội) cho biết, sau khi các cây đa khổng lồ bị doanh nghiệp Hải Sơn hạ tải và bỏ lại ven đường, chủ cây liên hệ với Công ty TNHH Thương mại và vận tải Hùng Dũng để thuê vận chuyển, theo VTC News .

Ông Dũng cũng tiết lộ, công ty của ông được thuê chở 3 cây đa khổng lồ từ Huế ra đến một khu đô thị ở phía Bắc với giá trị vận chuyển cả 3 cây là gần 100 triệu đồng. Như vậy, theo giám đốc doanh nghiệp vận tải, đích đến thực sự của 3 cây này là một khu đô thị thuộc một tỉnh khác không phải Hà Nội.

Trước đó vào chiều 13/4, dù chưa có giấy phép hợp lệ nhưng xe của Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Hùng Dũng tự ý vận chuyển cây đa khổng lồ khỏi vị trí tập kết ban đầu. (Ảnh: Nguyễn Vương)

Về lý do xe của công ty Hùng Dũng vẫn chở cây rời khỏi vị trí tập kết ban đầu dù chưa có giấy phép hợp lệ, ông Dũng giải thích: “Khi đó, chủ cây liên hệ với đơn vị tôi nhờ giúp đỡ. Mục đích của chúng tôi ban đầu là đưa 3 xe vào, cẩu cây để lên xe rồi làm các thủ tục xin giấy phép vận chuyển. 

Tuy nhiên, do tài xế và phụ xe không nghe, đánh xe chở cây đi trên đường khi chưa có giấy phép vận chuyển, gây sự chú ý của dư luận”.

Ông này cũng cho biết, sau khi sự việc được báo chí phản ánh, Tổng cục Đường bộ đã mời doanh nghiệp của ông đến làm việc, thu hồi các giấy phép vận tải do Tổng cục Đường bộ cấp nhưng bị doanh nghiệp sử dụng sai mục đích.

Ngoài ra, Vụ an toàn giao thông (thuộc Tổng cục Đường bộ) hướng dẫn cho doanh nghiệp trực tiếp liên hệ với Sở GTVT tỉnh TT-Huế, trình hồ sơ để xin cấp phép vận chuyển các cây “quái thú”.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, ngày 22/3 Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Hùng Dũng làm việc, huỷ hợp đồng và trả lại 3 cây đa “khủng” cho chủ cây là ông Kiều Văn Chương.

Ông Hùng giải thích lý do huỷ hợp đồng và trả lại cây: “Xe của tôi dùng để chở cây có trọng lượng xe 22 tấn, trong khi đó đường kính của các cây 3,2m, chiều dài 13m, chiều rộng người ta gọt đi còn 3,3m, cân nặng của mỗi cây khoảng 20-22 tấn. Như vậy, nếu xe tôi chở cây thì phải xin được giấy phép vận tải 45 tấn trở lên.

Tuy nhiên, khi chúng tôi trình hồ sơ xin cấp phép, Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ đồng ý cấp phép vận tải tối đa cho các phương tiện chở cây đa khổng lồ là 35 tấn theo quy định về tải trọng cho phương tiện chở hàng siêu trường”.

Trước đó,  VTC News  có loạt bài phản ánh về  3 cây đa ‘khủng’ vi vu trên quốc lộ  bị CSGT Thừa Thiên – Huế xử phạt trên 80 triệu đồng và “mắc kẹt” ở Huế gần 1 tháng nay, do chủ cây và đơn vị vận tải chưa có giấy phép vận chuyển hợp lệ.

Sáng 22/4, lo sợ cây chết, ông Kiều Văn Chương – chủ nhân 3 cây đa khổng lồ thuê nhân công và xin chủ đất cho trồng tạm 3 cây đa “khủng” tại khu đất ven quốc lộ thuộc địa phận phường Phú Bài, Thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả một ngày may mắn và làm việc hiệu quả!

———–—

Đại Kỷ Nguyên News

Exit mobile version