Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục kéo dài đà tăng từ cuối năm 2017 nhờ tâm lý lạc quan về triển vọng kinh tế, giúp chỉ số chủ chốt VN-Index chốt phiên giao dịch thứ hai của năm 2018 ở trên ngưỡng 1.000 điểm lần đầu tiên trong 10 năm qua.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/1/2018, chỉ số VN-Index tăng 9,9 điểm, tương đương 0,99%, lên 1.005,67 điểm – mức cao nhất kể từ tháng 11/2007.
Đây là phiên tăng điểm thứ hai liên tiếp kể từ đầu năm 2018 và là phiên tăng thứ 8 liên tục của VN-Index, sau khi chỉ số này tăng 48% trong năm 2018, trở thành một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới.
Tâm lý lạc quan về triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam, sự minh bạch hơn trên thị trường và dòng vốn của khối các nhà đầu tư nước ngoài đang là những yếu tố góp phần thúc đẩy thị trường quay lại với thời kỳ đỉnh cao.
Kinh tế Việt Nam vừa trải qua một năm có thể nói là thành công khi GDP tăng trưởng 6,81% trong năm 2017, vượt mức mục tiêu đề ra là 6,7%.
Về triển vọng năm 2018, bộ phận phân tích của công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam là SSI cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay có thể đạt mức 7%, thay vì mục tiêu khiêm tốn 6,5-6,7% của Chính phủ.
Bản thân Chủ tịch SSI, ông Nguyễn Duy Hưng, trong một cuộc phỏng vấn với báo giới ngày 1/1 cũng đánh giá rằng sự sôi động đang diễn ra trên thị trường là nhờ các cú huých vĩ mô, chứng khoán đang thăng hoa khi Việt Nam đang hướng tới những nguyên tắc của nền kinh tế thị trường thực sự và sự minh bạch của nền kinh tế.
Theo ông Hưng, những thương vụ tỷ đô được thực hiện mới đây chứng tỏ thị trường chứng khoán thực sự đã có thể đảm nhận trọng trách huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính, cho nhà đầu tư và cho nền kinh tế.
Có lẽ vì thế mà tập đoàn ThaiBev của Thái Lan đã không ngần ngại rót 4,8 tỷ USD cho thương vụ mua lại cổ phần của Sabeco, hay tập đoàn JCC của Hồng Kông chỉ trong một thời gian ngắn đã chi 1 tỷ USD để mua lại 10% cổ phần của Vinamilk.
Niềm tin về sự minh bạch hơn trên thị trường có lẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 25,89 nghìn tỷ đồng cổ phiếu trên thị trường niêm yết của Việt Nam trong năm qua.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết số lượng tài khoản của nhà đầu tư tăng 11% trong năm 2017 lên mức 1,9 triệu tài khoản, trong đó tài khoản của các nhà đầu tư nước ngoài tăng 14,3%.
Bên cạnh vốn đầu tư gián tiếp, sự tin tưởng vào môi trường đầu tư đã khiến các doanh nghiệp nước ngoài không ngần ngại đổ tiền vào Việt Nam thông qua vốn đầu tư trực tiếp (FDI). Trong năm 2017, các dự án FDI đã giải ngân số tiền kỷ lục 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm 2016.
Tiền nước ngoài vào nhiều giúp giữ tỷ giá USD/VNĐ ổn định. Theo nhận định của hãng tin Bloomberg, đồng nội tệ của Việt Nam là đồng tiền ổn định nhất thế giới trong năm qua. Và đây là một điểm tích cực của Việt Nam khi nhà đầu tư nước ngoài xem xét đầu tư vào.
Nhiều nhà đầu tư và phân tích đang kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục có một năm khả quan nữa trong năm 2018.
Minh Tuệ