Một tàu chiến không di chuyển được, mới nghe thì có vẻ là một ý tưởng tồi nhưng hãy đợi cho đến khi bạn biết được những chiến tích của pháo đài Drum.
Được biết đến như một tàu chiến được đổ bê tông, pháo đài Drum là một hòn đảo được gia cố vững vàng nằm ở cửa vịnh Manila của Philippines, hướng chính Bắc của đảo Correcgidor.
Ý tưởng đầu tiên về việc xây dựng pháo đài này được đưa ra sau cuộc chiến giữa Tây Ban Nha và Mỹ năm 1898, lúc đó Mỹ giành được quần đảo Philippines, đã từng là một thuộc địa của Tây Ban Nha.
Vào thời điểm đó, Uỷ ban Công trình quân sự của Mỹ đã quyết định họ cần phải chuẩn bị tốt hơn để bảo vệ lãnh thổ. Các kỹ sư quân sự Mỹ đã để ý tới vịnh Manila, một điểm dễ bị tấn công ở khu vực bờ biển và lên kế hoạch củng cố tiền đồn thuộc địa mới ở Châu Á này. Ban đầu, họ định dùng phần đất này như trung tâm điều khiển một mạng lưới thủy lôi nhưng cuối cùng họ đã cho san lấp mặt bằng hòn đảo và xây dựng một pháo đài.
Khi bắt đầu xây dựng vào năm 1909, các kỹ sư quân sự Mỹ bao quanh chỗ đá ở giữa đảo El Fraile bằng bê tông để dựng lên một pháo đài to lớn và có hình dáng tựa như một tàu chiến. Doanh trại, kho vũ khí và các khu vực chức năng khác của pháo đài nằm bên trong bức tường bê tông dày tới 11m. Các lớp bê tông cốt thép tạo thành một công trình dài 106m, rộng 44m và nhô cao lên trên mặt nước 12m.
Pháo đài rõ ràng được thiết kế đầy đủ để chịu được mọi cuộc bao vây uy hiếp. Có 4 khẩu súng trường bảo vệ bờ biển nòng 35cm M1909 ở hai tháp pháo bọc thép trên boong ke dày 6m trên nóc pháo đài, 4 khẩu súng nòng hơn 15cm chĩa ra từ những ô cửa bọc sắt ở xung quanh pháo đài và một vài súng đối không di động. Hòn đảo bọc thép này cũng có đèn rọi, pháo bắn máy bay và một tháp canh lửa.
Khi Thế Chiến II bắt đầu, tàu chiến bằng bê tông này là đơn vị pháo binh ven biển đầu tiên nổ súng chống lại lực lượng xâm lược Nhật Bản. Vào khoảng đầu tháng 2 năm 1942, các đảo có xây pháo đài ở vịnh Manila là lực lượng quân đội Mỹ duy nhất ở Phillipines vẫn còn hoạt động. Cuộc tấn công dữ dội bằng hỏa lực từ các pháo nòng 15cm và 24cm của quân Nhật cũng không làm pháo đài lay chuyển, thậm chí nó đã bắn chìm nhiều sà lan của lính Nhật Bản. Pháo đài đã phòng ngự chắc chắn và không một ai bị thương vong trong trận vây hãm.
Trước các trận ném bom và pháo kích, một vài súng đối không của pháo đài đã bị phá hủy, một súng nòng 15cm, một ụ đại bác và đèn rọi bị hư hỏng, đồng thời tạo ra một mảng sứt mẻ lớn trên tường bê tông.
Trong toàn bộ cuộc vây hãm, pháo đài bị tấn công dồn dập, nó vẫn bắn trả lại quân Nhật. Thậm chí pháo đài cẫn còn tiếp tục chống cự sau khi trận tái chiếm Bataan thất bại. Những khẩu pháo của pháo đài thật sự đã gây ra những tổn thất nặng nề cho quân Nhật Bản.
Tuy nhiên chiến hạm bê tông cuối cùng vẫn phải đầu hàng quân Nhật Bản sau khi đảo Corresidor thất thủ vào ngày 6 tháng 5 năm 1942 và sau đó chiến hạm bê tông đã bị quân Nhật chiếm đóng. Bốn khẩu súng nòng 35cm chưa bao giờ dùng hết đạn và vẫn còn hoạt động hiệu quả năm phút trước khi Corregidor thất thủ. Sự đầu hàng của các pháo đài trong vịnh đã chấm dứt sự phản kháng của Mỹ tại Phillipines.
Tàu chiến bê tông một lần nữa chứng tỏ sức độ vững chắc của mình như là thành lũy phòng thủ cuối cùng khi quân đội Mỹ quay lại giải phỏng Phillipine vào năm 1945. Quân đội Nhật đã dùng pháo đài chống lại quân Mỹ và nó lại là hàng phòng thủ cuối cùng trước khi quân Nhật thua trận. Sau một trận oanh tạc của hải quân, lính Mỹ cuối cùng cũng đột nhập được vào boong ke và bao vây quân Nhật ngoan cố ở bên dưới.
Thay vì cố gắng đánh vào trong, quân Mỹ đã tưới xăng vào quạt thông gió và đốt nó. Ngọn lửa đã cháy trong vài ngày và toàn bộ lính Nhật đã chết, khi quân đội Mỹ bước vào trong, họ thấy 65 thi thể cháy đen.
Pháo đài Drum được đặt tên sau khi Chuẩn Tướng Richard C. Drum qua đời đúng vào năm xây dựng pháo đài. Cho đến ngày nay, pháo đài này vẫn đứng như một con tàu ma ở trên vịnh Manila.
Theo Elitereaders
Thu Hiền