Đại Kỷ Nguyên

Chiến tranh thương mại bóp nghẹt ví tiền của người tiêu dùng Trung Quốc

“Gậy ông đập lưng ông”. Việc trả đũa biện pháp đánh thuế quan của Mỹ đang khiến nhiều hàng hóa của Trung Quốc tăng giá mạnh, tác động mạnh đến hầu bao của người tiêu dùng.  

Theo số liệu được Cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 17/10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này đã tăng 2,5% trong tháng 9, cao hơn 0,2% so với tháng trước đó. Đây là mức tăng nhanh nhất của nước này từ tháng 5/2014.

Giá thực phẩm tăng chủ yếu vì thời tiết xấu ảnh hưởng đến nguồn cung. Tuy nhiên, các biện pháp đánh thuế của Trung Quốc nhằm vào hàng hóa Mỹ để trả đũa chính quyền Tổng thống Donald Trump đang phản lại tác dụng.

Hồi tháng 7, Bắc Kinh đã áp thuế thêm 25%, nâng mức thuế với ô tô từ Mỹ thành 40%. Động thái này khiến các hãng ô tô phải tăng giá bán tại thị trường Trung Quốc.

Chẳng hạn, hiện tại mẫu xe Model S của Tesla có giá khoảng 850.000 Nhân dân tệ (123.000 USD), tăng gần 150.000 Nhân dân tệ so với trước đó. Các hãng xe như BMW và Daimler (công ty mẹ của Mercedes) cũng nâng giá các phiên bản xe thể thao sản xuất tại Mỹ từ 4-7%.

Nhà sản xuất hàng tiêu dùng và hóa chất Henkel của Đức tại Trung Quốc cũng tăng giá keo và nhiều sản phẩm khác tại thị trường này. Henkel đang nhập chất kết dính và hóa chất để làm hàng hóa của họ từ Mỹ. Doanh nghiệp này đã tăng giá khoảng 16% trong tháng 7.

Giá cả các mặt hàng tại Trung Quốc tăng mạnh vì cuộc chiến thương mại. (Ảnh: Reuters)

Một chi nhánh của Tập đoàn 3M của Mỹ tại Trung Quốc cũng tăng giá hàng hóa 3-5% do nguyên liệu cùng lương nhân công tăng và đặc biệt là đồng Nhân dân tệ đang mất giá. Hãng 3M là nhà cung cấp vật tư chính cho một số hãng sản xuất điện thoại thông minh nên nhiều người đoán rằng các thiết bị thông minh cầm tay cũng sắp trở nên đắt đỏ hơn.

Giới chuyên gia về công nghệ thông tin cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung leo thang sẽ ăn mòn lợi nhuận của các hãng điện thoại thông minh Trung Quốc, vốn đang chiếm lĩnh một số thị trường trên thế giới.

Không riêng gì điện thoại, nhiều doanh nghiệp sản xuất giấy cũng đã tăng giá sản phẩm của họ thêm 3% trong tháng 8 vì nguồn nguyên liệu của ngành này chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ.

Các doanh nghiệp trong ngành xây dựng như sơn hay vật liệu xây dựng cũng cảnh báo giá có thể tăng trong thời gian tới.

Chính phủ Trung Quốc đang phải chạy đua trong công cuộc giảm lạm phát nhằm tránh sự bất mãn của người dân. Trong chuyến thăm một cơ sở nghiên cứu nông nghiệp tại tỉnh Hắc Long Giang, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề cập đến vấn đề làm thế nào để tăng năng suất đậu tương.

Tại Trung Quốc, đậu tương là nông sản thiết yếu. Chúng được dùng để sản xuất dầu ăn, phần bã thừa sau khi sản xuất được dùng làm thức ăn cho lợn. Thịt lợn và dầu đậu nành có mặt trong mọi bữa ăn của người dân Trung Quốc. Chỉ cần một biến động nhỏ trong giá của đậu tương cũng sẽ tác động ngay lập tức tới chỉ số CPI của nước này.

Trung Quốc nhập khẩu gần 90% đậu nành, khoảng 1/3 trong số đó đều đến từ Mỹ. Tuy nhiên, để thể hiện sự cứng rắn, chính quyền Bắc Kinh đã áp thuế 25% lên đậu tương nhập khẩu từ Mỹ kể từ tháng 7, khiến nhiều hàng hóa Trung Quốc có nguy cơ tăng giá mạnh.

Giá đậu tương nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng 10-20% kể từ đầu năm nay, tạo áp lực lớn đến ngành chăn nuôi. Tuy giá thị lợn hiện nay vẫn đang ở mức chấp nhận được, nhưng cũng đã tăng khoảng 40% kể từ tháng 4/2018.

Theo giới truyền thông Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đang phải trợ cấp cho người chăn nuôi nhằm bình ổn giá thịt.

Kiều Ngọc (Tổng hợp)

Exit mobile version