Những bước leo thang tiếp theo trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, bao gồm các biện pháp trừng phạt lên hàng hóa và các giao dịch tài chính, có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính ở Trung Quốc, các nhà nghiên cứu cảnh báo.
Theo một nghiên cứu của viện Phát triển và Chiến lược Quốc gia thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, các biện pháp đánh thuế bổ sung mà Mỹ có thể thực hiện trong cuộc chiến thương mại sẽ hạn chế hoặc thậm chí phá hủy trực tiếp thị trường tài chính, tài sản và tiền tệ của Trung Quốc, đặc biệt khi Mỹ không có ý định dừng bước.
Cho đến nay, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tập trung hoàn toàn vào hàng hóa. Cả hai bên đã đánh thuế 25% lên 50 tỷ USD hàng nhập khẩu của nhau trong tháng 7 và tháng 8.
Xung đột thương mại tăng thêm vào ngày 24/9 khi Mỹ áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và sẽ tăng lên 25% vào đầu năm 2019 nếu Trung Quốc không nhượng bộ. Trung Quốc cũng tuyên bố trả đũa bằng việc đánh thuế từ 5-10% lên 60 tỷ hàng hóa của Mỹ.
Trước đó, ngày 22/9, Trung Quốc từ chối đề nghị đàm phán thương mại của Mỹ. Việc không diễn ra các cuộc đàm phán đã tạo một vết lõm trong niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường tài chính Trung Quốc, báo cáo nhận định.
Ngoài việc tiếp tục đánh thuế nhập khẩu lên hàng hóa của Trung Quốc như Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa, Mỹ có thể dùng thị trường quốc tế để gia tăng áp lực lên Trung Quốc.
“Chiến tranh thương mại có thể sẽ không còn giới hạn trong thương mại nữa, mà nó có thể mở rộng sang lĩnh vực đầu tư tài chính”, ông Wang Xiaosong, tác giả của nghiên cứu, nhận định.
Mỹ có thể bắt đầu bán ra cổ phiếu của các công ty Trung Quốc đang niêm yết trên Phố Wall và sử dụng truyền thông để phóng đại những điểm yếu của kinh tế Trung Quốc. Điều này gây áp lực giảm lớn cho cổ phiếu các công ty Trung Quốc, trong đó chủ yếu là các công ty công nghệ lớn như Alibaba và Tencent.
Mỹ cũng có thể khuyến khích, thậm chí tạo áp lực, để các công ty nước mình rút vốn đầu tư tại Trung Quốc.
Nếu Mỹ nhắm tới mục tiêu gây tổn thất vào phân khúc có đòn đẩy cao đối với nền kinh tế Trung Quốc như thị trường tài chính và tài sản, Trung Quốc sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính.
Thị trường tiền tệ Trung Quốc sẽ bị đánh bại nếu Mỹ sử dụng vị thế tài chính đưa đồng Nhân dân tệ tiếp tục mất giá so với đồng USD. Chiến thuật này sẽ khiến giới đầu tư ngay lập tức quay lại với các loại tài sản là “nơi trú ẩn an toàn”, gây ra hoạt động bán tháo với tài sản Trung Quốc, đặc biệt là bất động sản.
Trên phạm vi quốc tế, Mỹ có thể gây áp lực với các quốc gia nhận đầu tư lớn từ Trung Quốc. Nghiêm trọng hơn nữa, Mỹ có thể phạt nặng vào các tổ chức tài chính Trung Quốc có trụ sở tại Mỹ hoặc lợi dụng sức ảnh hưởng của mình lên hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu để đưa Trung Quốc ra khỏi các tổ chức tài chính.
Bất kỳ kịch bản nào trong số trên được thực hiện sẽ làm tăng thêm nỗi đau cho thị trường tài chính Trung Quốc vốn đã bị “rỉ máu” từ đầu năm đến nay.
Chỉ số chứng khoán lớn nhất Trung Quốc, Shanghai Composte, đã giảm 15,4% kể từ đầu năm nay xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm.
Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ đã mất hơn 9% giá trị so với đồng USD kể từ tháng 4 khi Mỹ áp thuế đối với thép và nhôm của Trung Quốc. Đây là mức giảm giá chưa từng có trong một thời gian ngắn như vậy.
Cho đến nay, kinh tế Trung Quốc chưa có nhiều dấu hiệu bị tác động tiêu cực bởi cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng tác động sẽ rõ ràng hơn trong quý IV/2018.
Tổ chức Fitch Ratings ngày 21/9 đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2019 xuống còn 6,1% từ mức 6,3% trước đó.
Kiều Ngọc (Tổng hợp)