Chiến tranh thương mại toàn cầu và Brexit được cho là cơ hội “trời ban” đối với các nhà sản xuất khẩu lúa mì và lúa mạch Anh để thâm nhập thị trường Trung Quốc.
Trong gần 2 thập kỷ qua, Anh chưa từng bán 1 gram lúa mạch nào cho Trung Quốc và chỉ xuất khẩu một lượng lúa mì khiêm tốn trong 10 năm trở lại đây.
Cục diện có thể sẽ sớm thay đổi khi các công ty Trung Quốc phải tìm đối tác thay thế cho đậu tương Mỹ cùng nhiều loại hạt khác, và Anh được xem là một đối tác tiềm năng, theo nhận định của Hiệp hội Phát triển Nông nghiệp và Làm vườn Anh (AHDB).
Chuyên gia marketing của AHDB, ông Dorit Cohen, cho biết: “Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang gây ra bất ổn. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lúa mì của Mỹ và hiện nay chính là cơ hội cho Anh đột nhập vào thị trường này”.
Tiềm năng xuất khẩu hàng hóa từ Anh sang Trung Quốc là một dấu hiệu cho thấy xung đột thương mại đang thay đổi cục diện giao thương nông nghiệp trên thế giới.
Trung Quốc đang tìm kiếm nguồn cung ngũ cốc mới ngay vào thời điểm Anh chuẩn bị rời khỏi Liên minh châu Âu.
Vào tháng 6 vừa qua, các công ty sản xuất hạt giống của Trung Quốc đã cử đại diện sang Anh để đánh giá cơ sở kho bãi và tình hình sản xuất. Phía Anh cũng qua Trung Quốc để gặp gỡ các doanh nghiệp nước này nhằm tìm hiểu điều kiện nhập khẩu.
Mỹ là nhà cung cấp lúa mì lớn thứ hai của Trung Quốc. Vào đầu tháng 7, Trung Quốc đã áp thuế quan đối với một số mặt hàng của Mỹ (trong đó có lúa mì và lúa miến – một thành phần trong thức ăn gia súc) và cuộc chiến trả đũa thương mại giữa 2 quốc gia vẫn đang có nguy cơ leo thang.
Nền kinh tế lớn nhất châu Á có thể sẽ phải mua thêm lúa mạch vì giá cao lương của Mỹ đang tăng cao. Kim ngạch nhập khẩu cao lương của Trung Quốc trong tháng 6 đạt mức thấp nhất trong vòng 6 tháng vừa qua.
Anh đang có kế hoạch bắt đầu vận chuyển một lượng nhỏ lúa mạch sang Trung Quốc trước khi đẩy mạnh xuất khẩu.
Các yêu cầu nghiêm ngặt trong việc nhập khẩu để phòng chống sâu bệnh và cỏ dại của Trung Quốc đã gây không ít trở ngại cho các công ty của Anh. Anh đã đề nghị phía Trung Quốc nới lỏng những quy định trên.
Theo AHDB, trong khi Anh gần đây nhập khẩu lúa mì nhiều hơn xuất khẩu, việc tăng cường hợp tác giữa 2 bên có thể giúp Anh có thêm thặng dư thương mại.
Trung Quốc cũng đang rất muốn tìm nhà cung cấp lúa mì và lúa mạch mới vì Australia – nhà cung cấp chính của họ – đang trải qua hạn hán và nông dân không muốn bán sản phẩm, ông Dorit Cohen cho biết.
Cũng như Trung Quốc, Anh đang khám phá các cơ hội kinh doanh với các quốc gia như Cuba, Mexico và Ai Cập, đất nước chuyên nhập khẩu lúa mì. Hiện tại, EU là khách hàng chiếm đến 80% thị phần xuất khẩu lúa mì và phần lớn doanh thu lúa mạch của Anh.
“Chúng tôi đang tìm kiếm các cơ hội kinh doanh trên toàn thế giới, nhưng Trung Quốc là một thị trường lớn và đầy tiềm năng để Anh xuất khẩu ngũ cốc”, ông Cohen nhận định.
Kiều Ngọc