Theo nghị định 08/2018/NĐ-CP ban hành ngày 15/1 của Chính phủ, ngành kinh doanh xăng dầu được tháo bỏ khỏi nhiều hàng rào, điều kiện gia nhập thị trường.
Theo tin từ Dân trí, nhằm giúp thị trường kinh doanh xăng dầu trở nên cạnh tranh hơn, Chính phủ đã bãi bỏ hàng loạt rào cản hoạt động đầu tư kinh doanh.
Cụ thể, Chính phủ bãi bỏ Điều 5 về quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu, đồng thời xoá bỏ quy định điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, bỏ điều kiện phù hợp với quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu tại khoản 6 Điều 7 của Nghị định 83.
Chính phủ còn bãi bỏ quy định về điều kiện sản xuất xăng dầu được quy định tại Điều 10 và điều kiện đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu, bỏ điều kiện địa điểm phải phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại khoản 1 Điều 24.
Bên cạnh đó, quy định sau 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, phải sở hữu hoặc đồng sở hữu với số vốn góp tối thiểu 51% đối với hệ thống kho, đủ đáp ứng tối thiểu 1/3 nhu cầu dự trữ của thương nhân quy định được nêu trong khoản 3, Điều 7 của Nghị định 83 cũng được bãi bỏ.
Thêm một rào cản kinh doanh xăng dầu khác được Chính phủ “cởi trói” là quy định bắt buộc sau 2 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, doanh nghiệp phải sở hữu hoặc đồng sở hữu với số vốn góp tối thiểu 51% đối với các phương tiện vận tải xăng dầu nội địa có tổng sức chứa tối thiểu là 3.000 m3 tại khoản 4, Điều 7.
Cuối cùng, Chính phủ đã xoá bỏ quy định tại khoản 5, Điều 7 của Nghị định 83 với nội dung cụ thể: “Mỗi năm, kể từ khi được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, cơ sở kinh doanh xăng dầu phải sở hữu hoặc đồng sở hữu tối thiểu 4 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cho đến khi đạt tối thiểu 100 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân”.
Bên cạnh việc “nới lỏng” hoạt động kinh doanh xăng dầu, 7 lĩnh vực khác cũng được Chính phủ cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh bao gồm thuốc lá, điện lực, nhượng quyền thương mại, thương mại điện tử, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, lĩnh vực kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành cùa Bộ Công Thương.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành Công Thương ngày 15/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã ký Nghị định số 08/2018/NĐ-CP cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh trong tổng số 1216 điều kiện (tương đương 55%) do Bộ Công Thương quản lý trong nỗ lực tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng.
Nguyễn Trang