Suốt 18 năm qua, Thiền viện Đông Lai ở An Giang phục vụ bánh xèo cho hàng nghìn lượt khách thập phương mỗi ngày.
Thiền viện Đông Lai tọa lạc tại khóm Xuân Phú (huyện Tịnh Biên, An Giang) được nhớ đến với cái tên “chùa bánh xèo”. Bởi mỗi ngày nơi này phục vụ hàng nghìn chiếc bánh cho khách thập phương. Đặc biệt, bánh ở đây không tính tiền nên còn gọi là “bánh xèo chùa”, theo VnExpress.
Trước đây, chùa phục vụ bánh xèo chủ yếu cho Phật tử, người nghèo, người lao động trong vùng. Hiện nay, rất đông du khách biết tiếng của chùa đã đến tham quan và lưu lại thưởng thức đồ ăn.
Bếp của thiền viện nằm bên tay trái và có biển chỉ dẫn đến tận nơi, bên trong gian làm bánh là 3 giàn bếp đất nung xếp thành hình bán nguyệt gồm gồm 4 giàn chảo, mỗi giàn từ 10 – 12 cái, theo báo Ivivu.
Mỗi ngày, các đầu bếp thường đổ khoảng 6.000-7.000 cái bánh, riêng ngày thứ bảy – chủ nhật thì khách tăng gấp 4 lần phải dùng đến 40 chiếc bếp chiên bánh mới kịp phục vụ.
Thời gian bắt đầu công việc từ 5h đến 19h, khoảng một tiếng lại nghỉ tay thay người, mỗi người đổ hàng trăm chiếc bánh mỗi ngày.
“Nóng lắm, ngồi giữa một vòng lửa bao quanh mình, khói tỏa cay mắt, lơ là một chút sẽ đổ nhầm bánh, chậm là cháy, làm không khéo còn bị bỏng. Khâm phục các chú, các anh thiệt”, blogger du lịch Thiết Nguyễn thốt lên sau khi thử ngồi đổ bánh bày tỏ cảm xúc.
Bánh xèo ở Thiền viện Đông Lai là đồ chay, có nhân gồm đậu xanh nguyên hạt, tàu hũ, giá đỗ, nấm mèo, củ sắn xắt sợi nhỏ. Vỏ bánh là bột gạo pha với nước dừa. Các nguyên liệu đều được mua từ tiền công đức do khách thập phương cúng dường.
Bánh được ăn cùng nhiều loại rau rừng mọc ở vùng Núi Cấm tạo nên mùi vị đặc sắc hơn. Rau được dân địa phương thu hoạch mang vào chùa, rửa sạch và bày sẵn ra đĩa, khách ăn tự phục vụ.
Nhà ăn khang trang, sạch sẽ, trên bàn để sẵn nước chấm và có nước uống lạnh miễn phí. (Ảnh: VnEpress).
Thanh Thanh (tổng hợp)