Đại Kỷ Nguyên

Chưa vào vụ thu hoạch đã phải tìm cách ‘giải cứu’ mía ở Hậu Giang

50% diện tích trồng mía của nông dân Hậu Giang có nguy cơ bị bỏ phí nếu không được thu mua.

Dự kiến đến giữa tháng 9 mới bắt đầu vào vụ thu hoạch mía niên vụ 2018-2019 ở ĐBSCL, nhưng tỉnh Hậu Giang – địa phương có diện tích mía lớn nhất vùng, đã phải tổ chức 2 cuộc họp trong 2 tháng qua để tìm cách “giải cứu” ngành mía đường.

Theo VOV, vụ mía này toàn tỉnh Hậu Giang có tổng diện tích xuống giống gần 10.600 ha, giảm hơn 150 ha so với niên vụ trước đó. Sản lượng mía thu hoạch ước đạt hơn 1 triệu tấn.

Dù diện tích xuống giống giảm, nhưng đến nay mới chỉ có gần 5.600 ha mía, tương đương hơn 50% diện tích mía của nông dân Hậu Giang được bao tiêu. Trong khi đó, mọi năm vào thời điểm này toàn bộ 100% diện tích mía đã được bao tiêu.

Không chỉ vậy, giá mía niên vụ này còn giảm 100 đồng/kg so với niên vụ trước, xuống còn 800 đồng/kg đối với loại mía đạt 10 chữ đường (CCS). Với mức giá này, nông dân sẽ không thể có lãi.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, tại buổi làm việc của UBND tỉnh Hậu Giang với Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cùng các doanh nghiệp mía đường ở ĐBSCL diễn ra ngày 24/8, lãnh đạo tỉnh cho biết, trong vòng hơn 2 tháng qua, tỉnh đã tổ chức họp 2 lần nhằm tìm kiếm giải pháp tiêu thụ mía cho nông dân. Thế nhưng, khó khăn này vẫn chưa được tháo gỡ khi toàn tỉnh vẫn còn 50% diện tích mía chưa được bao tiêu.

Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo CTCP Mía Đường Sóc Trăng hứa sẽ hỗ trợ Hậu Giang tiêu thụ khoảng 60.000-80.000 tấn mía nguyên liệu trong niên vụ 2018-2019.

Tuy nhiên, theo vị này, vụ mía trước, việc tiêu thụ ở tỉnh Sóc Trăng phải kéo dài đến cuối tháng 6/2018 mới kết thúc nên công tác bảo trì, sửa chữa máy móc cũng kéo dài và dự kiến đến cuối tháng 9/2018 mới có thể đưa nhà máy vào vận hành trở lại.

Trong khi đó, đại diện CTCP Mía Đường Cồn Long Mỹ Phát cho biết hiện ngành mía đường đang rất khó khăn do giá đường xuống thấp, tiêu thụ chậm. Đặc biệt, ở ĐBSCL, trước đây có 10 nhà máy đường hoạt động, hiện chỉ còn khoảng 5-6 nhà máy.

Lý giải việc chưa thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu mía cho nông dân Hậu Giang, CTCP Mía Đường Cồn Long Mỹ Phát cho hay đơn vị này đã có kế hoạch bao tiêu từ tháng 2/2018. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, giá đường xuống thấp, trong khi Hậu Giang mới vào vụ trồng mới. Do đó, công ty này e ngại rằng nếu ký bao tiêu giá thấp, nông dân sẽ không trồng tiếp.

Theo VSSA, đường nhập lậu qua biên giới cũng như việc nhập khẩu đường lỏng chiết xuất từ tinh bột bắp là những nguyên nhân khiến ngành mía đường trong nước gặp khó khăn.

Chính vì vậy, VSSA đề nghị các địa phương cần kiểm soát tốt việc nhập lậu đường qua biên giới để bảo vệ ngành mía đường nội địa. Đồng thời, chính phủ cần có giải pháp điều tra áp thuế chống bán phá giá đường lỏng được nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng tăng cao như thời gian qua.

Vỹ An

Exit mobile version