Đại Kỷ Nguyên

Chứng khoán châu Á mất gần 5.000 tỷ USD năm nay, chưa có dấu hiệu dừng lại

Với mức giảm 11% trong tháng 10/2018, chỉ số MSCI khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang hướng đến tháng giảm mạnh nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bùng nổ.

Theo sau đà tụt dốc mạnh trên Phố Wall, chỉ số chứng khoán chủ chốt của khu vực châu Á cuối cùng cũng “gục ngã” trước áp lực của thị trường chung.

Theo Bloomberg, thị trường chứng khoán châu Á đã “bốc hơi” tới 4.900 tỷ USD vốn hóa tính đến hết ngày 24/10, và tiếp tục giảm trong phiên giao dịch ngày 25/10.

Vào lúc 13h ngày 25/10 (giờ Việt Nam), chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương đã giảm 1,7%, đưa mức giảm từ đầu năm đến nay lên 21%.

Chỉ số Topix của Nhật Bản cũng giảm 2,7% trong phiên này, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2017, trong khi chỉ số Nikkei 225 mất tới 3,4%.

Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi trượt 2,2%, đưa Xứ sở Kim chi bước vào thị trường “con gấu” trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của nước này đang chững lại.

Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương đã giảm hơn 20% kể từ tháng 1/2018. (Ảnh: Bloomberg)

Chứng khoán Trung Quốc cũng có phiên trượt dài, với chỉ số Shanghai Composite giảm 1,42%. Chỉ số này đang ở mức thấp nhất trong 4 năm qua và đà giảm chưa có dấu hiệu sẽ ngừng lại. Tính chung, chứng khoán Trung Quốc đã giảm 12% riêng trong tháng 10 và giảm hơn 30% kể từ đầu năm 2018.

Chỉ số S&P ASX 200 của chứng khoán Australia cũng giảm 2,8% trong phiên ngày 25/10.

Hãng tin Bloomberg nhận định rằng thị trường chứng khoán châu Á sụt giảm mạnh là vì cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung vẫn đang tiếp tục leo thang, làm gia tăng những lo ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu nhập. Cổ phiếu công nghệ lao dốc kết hợp với việc FED tiếp tục theo đuổi chính sách tăng lãi suất làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn.

Tuy nhiên, điều khiến giới đầu tư và chuyên gia lo ngại nhiều nhất là đồng USD đang tiếp tục mạnh lên.

“Đồng USD đã tăng giá trong năm nay và tốc độ này đang tăng lên. Dòng vốn có thể tiếp tục chảy về Mỹ khiến nhiều thị trường mới nổi rơi vào các cuộc thoái vốn trong thời gian còn lại của năm”, Steven Leung, giám đốc điều hành của UOB Kay Hian tại Hồng Kông, nhận định.

Ông Leng nhấn mạnh rằng đồng bạc xanh tăng giá đã dẫn tới dòng vốn ngoại tệ khổng lồ tháo chạy khỏi các quỹ đầu tư chứng khoán châu Á, buộc các ngân hàng trung ương trong khu vực phải nâng lãi suất để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ. Điều này làm gia tăng sức ép lên thị trường chứng khoán và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Những tuyên bố của FED hồi đầu tháng này và việc chứng khoán Trung Quốc giảm tới ngưỡng nhạy cảm – chỉ số Shanghai Composite đang ở gần mức thấp nhất kể từ tháng 11/2014, sẽ tăng sức ép lên thị trường chứng khoán châu Á.

“Liệu thị trường châu Á có thực sự chịu được 4 đợt tăng lãi suất của FED vào năm tới hay không? Đã đến lúc mọi người nên nghĩ về chuyện đó. Phần lớn những người như chúng tôi đều đang rất lo ngại và đã giảm đầu tư vào cổ phiếu, hoặc chỉ tập trung vào các cổ phiếu mang tính phòng thủ hoặc mua trái phiếu”, Armand Yeung, Giám đốc quản lý tại Central Asset Investments ở Hồng Kông, cho biết.

Với mức giảm 11% trong tháng 10/2018, chỉ số MSCI khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang hướng đến tháng giảm mạnh nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bùng nổ. Tốc độ giảm này còn mạnh hơn cả chỉ số S&P 500 của Mỹ và Stoxx 600 của châu Âu.

Phần lớn các cổ phiếu có diễn biến tệ nhất thế giới trong năm nay đều thuộc khu vực châu Á. Nếu nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục suy yếu, giới đầu tư có lẽ nên chuẩn bị cho giai đoạn biến động dữ dội hơn trong tương lai.

Kiều Ngọc (Tổng hợp)

Exit mobile version