Đại Kỷ Nguyên

Chuỗi cà phê Việt dần chiếm lĩnh thị trường, đối thủ ngoại dậm chân tại chỗ

Bên trong một cửa hàng The Coffee House ở Việt Nam. (Ảnh: Nikkei)

Hàng tá cửa hàng cà phê Việt Nam đang nhanh chóng mở rộng mạng lưới vì “nắm trong lòng bàn tay” thị trường Việt rõ hơn các đại gia toàn cầu như Starbucks.
 

Theo nhật báo Nikkei, trong khi Starbucks chỉ có 38 cửa hàng ở Việt Nam thì nhiều tên tuổi trong nước như The Coffee House, Cộng cà phê, Highlands Coffee lại liên tục mở rộng chuỗi vì hiểu thị trường.

Nhìn về thực trạng các công ty cà phê khởi nghiệp ở Việt Nam, Nikkei đánh giá The Coffee House là thương hiệu phát triển nhanh chóng nhất khi đã có hơn 100 cửa hàng trên khắp cả nước.

“Chúng tôi dự định mở 700 cửa hàng cà phê dọc từ Nam ra Bắc trong vòng 5 năm tới, với tốc độ trung bình 10 cơ sở mới mỗi tháng”, Nguyễn Hải Ninh – nhà sáng lập kiêm CEO The Coffee House cho biết.

Cộng Cà Phê – một chuỗi khác tại Hà Nội, thậm chí đã lấn sân sang nước ngoài. Cửa hàng đầu tiên của hãng cà phê này được mở tại Seoul (Hàn Quốc) vào tháng trước và cũng đã lên kế hoạch mở thêm 2 cơ sở nữa tại đây.

Ở Việt Nam, Cộng Cà Phê hiện có hơn 50 cơ sở kể từ khi ra mắt vào năm 2007 và dự định mở thêm 1-2 cửa hàng mới mỗi tháng cho đến năm 2020. Hãng cà phê này thu hút khách hàng nhờ thiết kế mô phỏng Việt Nam giai đoạn đầu thập niên 80.

Bà Phương Nguyên, một nhà nghiên cứu thị trường tại TP. Hồ Chí Minh, cho biết chủ sở hữu các chuỗi cà phê mới nổi này hiểu biết rất rõ về văn hóa và thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam. Họ đặt mục tiêu rõ ràng về đối tượng khách hàng theo đuổi và có thiết kế độc đáo cho không gian bên trong, hướng đến người trẻ.

Hơn nữa, đồ uống đa dạng và mức giá phù hợp với túi tiền giúp họ chiếm được tình cảm của sinh viên lẫn người đi làm trẻ tuổi tại các thành phố. Một lợi thế khác giúp ghi điểm đó là khách hàng có thể dùng Internet trong nhiều giờ, không bị gián đoạn giống như các chuỗi cà phê lớn.

“Những ưu điểm này cho phép các chuỗi cà phê mới của Việt Nam cạnh tranh mạnh mẽ được với các thương hiệu cà phê nước ngoài vốn có dịch vụ và quản lý tốt hơn”, bà Phương nói.

Hãng cà phê quốc tế Starbucks vẫn đang “dậm chân tại chỗ” ở thị trường Việt Nam. Đã 5 năm sau khi du nhập, số lượng cửa hàng Starbucks chỉ đạt mức 38. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của Starbucks tại các quốc gia khác trong thị trường Đông Nam Á lại mạnh mẽ hơn, với Thái Lan là hơn 330 cửa hàng, Indonesia hơn 320 cửa hàng và Malaysia hơn 190 cửa hàng.

Highlands Coffee là cửa hàng cà phê ngoại được ưa chuộng nhiều nhất tại Việt Nam. (Ảnh: Nikkei)

Một chuỗi cà phê khác được đánh giá phổ biến nhất Việt Nam về số cửa hàng và độ nhận diện thương hiệu là Highlands Coffee. Nhập du vào Việt Nam từ năm 2002, Highlands Coffee hấp dẫn người trẻ thích phong cách phương Tây.

Sau khi được chuỗi nhà hàng Philippines – Jollibee Foods mua lại năm 2012, Highlands Coffee đã tăng số cửa hàng từ 60 năm 2014 lên hơn 200 cửa hàng, chủ yếu nằm bên trong các trung tâm thương mại lớn. Dịch vụ của Highlands cũng đã thay đổi nhắm đến người tiêu dùng trẻ, với giá hợp lý, hơn là tầng lớp doanh nhân.

Các chuỗi cà phê mới hơn, như Thức Coffee, Urban Coffee Station và Phúc Long, xuất hiện trong 10 năm gần đây, đã có tốc độ tăng trưởng doanh thu ước tính 7%/năm.

Trái lại, các thương hiệu lâu đời hơn như NYDC, Gloria Jean’s Coffees, Caffe Bene, thậm chí là các cái tên mới trong nước như The Kafe hay Saigon Café đều đang thu hẹp hoạt động hoặc thậm chí phải đóng cửa.

Chi phí hoạt động cao, như tiền thuê mặt bằng, và khó tìm địa điểm thích hợp là hai trong các lý gây ra việc cắt giảm này. Theo ước tính của chủ một chuỗi cà phê trong nước, một cửa hàng Starbucks rộng 200 mét vuông tại TP. HCM cần vốn đầu tư ban đầu khoảng 215.000 USD, trong khi cửa hàng của Coffee House chỉ mất khoảng 86.000 USD.

“Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu cà phê lâu đời lại chậm thay đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với khẩu vị của người tiêu dùng”, bà Phương kết luận.

Kiều Ngọc

Exit mobile version