Theo lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, không chỉ các doanh nghiệp FDI, đến nay có cả các doanh nghiệp nội địa cũng có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá, làm thất thu ngân sách nhà nước.
Vấn đề chống các giao dịch ngầm, liên kết bất minh một lần nữa được đặt ra tại hội thảo quốc tế “Chuyển giá: Những vấn đề trong công tác quản lý hiện nay”, do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và Hiệp hội Kế toán công chứng Vương quốc Anh (ACCA) tổ chức ngày 19/7.
Phát biểu tại hội thảo, lãnh đạo KTNN cho biết, cách đây khoảng chục năm, chuyển giá vẫn là một khái niệm mới lạ ở Việt Nam, nhưng hiện nay nó đã phổ biến.
Báo cáo của KTNN cho thấy, trong giai đoạn năm 2015-2017, khoảng 50% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động kinh doanh ở Việt Nam kê khai lỗ, trong đó có không ít doanh nghiệp kê khai lỗ nhiều năm liền nhưng vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất.
Trường hợp điển hình nhất được KTNN nêu ra liên quan đến siêu thị Metro Việt Nam. Metro được thành lập từ năm 2001, đến nay đã phát triển 19 trung tâm bán buôn trên cả nước, nhưng vẫn không ngừng báo lỗ dù doanh thu tăng liên tục hàng năm. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp FDI khác cũng nằm trong diện nghi vấn chuyển giá như Adidas Group, siêu thị Big C, Công ty PepsiCo Việt Nam, Công ty Sumitomo Bakelite Việt Nam, Công ty Điện tử Meiko Việt Nam….
Điều đáng lo ngại, không chỉ các doanh nghiệp FDI, đến nay nhiều doanh nghiệp nội địa cũng đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá, làm thất thu ngân sách nhà nước, trong đó có Sabeco. Dưới góc độ pháp lý, việc kiến nghị của KTNN truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với doanh nghiệp này có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý loại thuế này.
TS Nguyễn Đình Hòa, quyền Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (KTNN), cho biết, tại cuộc kiểm toán Sabeco năm 2015, KTNN đã phát hiện Sabeco có hành vi chuyển giá dẫn đến kê khai thiếu thuế tiêu thụ đặc biệt số tiền 408 tỷ đồng.
Theo TS. Nguyễn Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN), những dấu hiệu chuyển giá thường diễn ra ở các doanh nghiệp là nâng khống giá trị hàng hóa, dịch vụ đầu vào; giảm giá trị đầu ra của hàng hóa, dịch vụ. Đáng chú ý, đặc điểm chung của những doanh nghiệp nằm trong diện nghi chuyển giá thường là mua giá cao, bán giá thấp, dù lỗ liên tục vẫn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và phát sinh giao dịch với doanh nghiệp liên kết tại nước ngoài với số lượng, giá trị giao dịch lớn.
Chia sẻ tại hội thảo, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên trường Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng công cuộc đấu tranh chống tình trạng chuyển giá ngày càng phức tạp, đặc biệt là đấu tranh với các doanh nghiệp lớn. Nguyên nhân một phần bởi tâm lý nhún nhường với các “đại gia”.
Theo ông Tuấn, sự quan tâm của Chính phủ với các tập đoàn lớn là cần thiết nhưng sự ưu ái, dễ dãi quá mức khiến cho công tác thanh kiểm tra gặp khó khăn và thách thức vô hình.
Do đó, ông Tuấn đề xuất không nên thu hút vốn FDI bằng mọi giá, không nhân nhượng quá mức với các tập đoàn lớn.
Vỹ An