Đại Kỷ Nguyên

Chuyên gia World Bank: Áp thuế tài sản, người nghèo bị ảnh hưởng hơn người giàu

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), có khoảng 1,8 triệu hộ gia đình Việt Nam sẽ chịu tác động của thuế tài sản và người có thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với người giàu.

Theo Vnexpress, thông tin này được chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đưa ra tại cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về chính sách thuế tài sản ngày 7/6. Buổi làm việc được tổ chức theo đề nghị của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nhằm lắng nghe kinh nghiệm của các quốc gia, tổ chức tài chính, kinh tế trên thế giới.

Dựa trên dự thảo Luật Thuế tài sản Bộ Tài chính công bố gần đây, WB tính toán sẽ có khoảng 1,8 triệu hộ gia đình (7,2% số hộ) chịu tác động, số hộ nghèo bị tác động khoảng 23.000 hộ, ngân sách dự tính thu khoảng gần 3.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tỷ lệ số thuế nhà phải nộp so với thu nhập của hộ nghèo là 0,83%, cao hơn hộ gia đình giàu có là 0,58%.

Theo ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, thu ngân sách từ chính sách thuế tài sản ở Việt Nam sẽ không lớn, trong khi chi phí quản lý thuế không nhỏ, chiếm 10-20% số thu. Do đó, WB khuyến nghị nếu Việt Nam muốn thực hiện chính sách thuế này cần tiếp tục gia cố chính sách thuế theo từng giai đoạn, xem xét cách tính thuế theo giá trị tuyệt đối hoặc theo tỷ lệ giá trị tài sản.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam, nhấn mạnh lợi ích của chính sách thuế tài sản không thể chỉ hướng tới nguồn thu, mà cần phải đi kèm với trách nhiệm, đề cao trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở với người dân trong sử dụng số thuế này đầu tư vào hạ tầng.

Trước những ý kiến của các chuyên gia WB, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với WB, các tổ chức quốc tế để nghiên cứu thêm về chính sách thuế tài sản, lựa chọn các phương án phù hợp nhất với điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam.

Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát các chính sách thuế trong thực hiện tái cơ cấu thu, chi ngân sách, tăng cường cải cách hành chính, cắt giảm chi phí quản lý chính sách thuế.

Giải trình trước Quốc hội ngày 26/5, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, đánh thuế tài sản để tăng thu thêm cho ngân sách “chỉ là mục tiêu thứ yếu”. Lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh sẽ nghiên cứu thuế tài sản theo hướng tạo công bằng xã hội, trên cơ sở quản lý xã hội, định hướng thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch tài sản, đảm bảo công tác phòng chống tham nhũng.

Trước đó, Bộ Tài chính kiến nghị ban hành Luật Thuế tài sản với đề xuất áp dụng đánh thuế ở mức 0,4% cho nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên. Với phương án này, số thu thuế tài sản mà nhà nước dự kiến mang về là khoảng 31.000 tỷ đồng.

Đề xuất này nhận nhiều ý kiến phản đối từ dư luận và người dân khi mức thuế quy định chưa rõ ràng, nhắm vào hầu hết đối tượng, kể cả người có thu nhập thấp.

Nguyễn Trang

Exit mobile version