Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Việt Nam cần cẩn trọng với vốn vay của Trung Quốc. Thực tế, nhiều chủ đầu tư, nhà thầu của Trung Quốc tại Việt Nam đều nhỏ, chưa có kinh nghiệm, họ sang Việt Nam để làm nơi thử nghiệm, học hỏi.
Chia sẻ trên Dân trí, bà Phạm Chi Lan, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng nền kinh tế Việt Nam hiện nay sống chết không phải là vốn mà là hiệu quả, là giá trị gia tăng của nền kinh tế. Thời gian qua, Việt Nam nhận được rất nhiều vốn vay từ các nước nhưng sử dụng rất kém, đặc biệt là vốn vay từ Trung Quốc.
Đơn cử như dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông kéo dài thời gian thi công 10 năm, 4 lần xin lùi tiến độ và bị đội vốn lên hơn 300 triệu USD. Không những vậy, chất lượng của dự án cũng là vấn đề đáng bàn bởi nhiều người còn nói đùa có làm xong cũng không dám đi.
Ngoài ra, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông kéo dài bao nhiêu năm như vậy đã cho thấy một bài học quá rõ, vay ODA hay gì thì Trung Quốc cũng chủ động, tiến độ, thiết bị cũng của họ. Các điều kiện ràng buộc vô lý của Trung Quốc cũng là đấu thầu nhưng lại chọn giá rẻ, ngoài giá rẻ không biết có chuyện đi đêm hay không?
Đặc biệt, rất nhiều chủ đầu tư, nhà thầu của Trung Quốc tại Việt Nam đều nhỏ, chưa có kinh nghiệm, họ chọn Việt Nam làm nơi thử nghiệm, học hỏi.
Cũng theo vị chuyên gia này, những dự án, những công trình lớn của Việt Nam có liên quan đến Trung Quốc hầu hết đều ở trạng thái không tốt, thậm chí chất lượng kém, kéo dài thời gian, chậm tiến độ. Điều này ảnh hưởng lớn đến chiến lược phát triển của Việt Nam.
Đơn cử như đường cao tốc Quảng Nam – Đà Nẵng khánh thành xong 1 tháng đã hỏng, mà hỏng chủ yếu là ở đoạn bị bán lại thầu cho nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Bà Lan cho rằng cần phải xử thật nghiêm vụ việc này vì đây không chỉ là vi phạm về kinh doanh mà còn là đạo đức, là dối trá không thể dung túng cho một nền kinh tế đang mong mỏi được phát triển như Việt Nam.
Liên quan đến các hệ quả nhãn tiền của nhiều nước trên thế giới về việc sử dụng vốn Trung Quốc khiến chủ quyền doanh nghiệp, dự án, lãnh thổ bị đánh đổi, bà Lan cho rằng Việt Nam nên đặc biệt thận trọng với những nguồn vốn vay từ Trung Quốc khi Sri Lanka, Lào và Campuchia có khá nhiều dự án, vùng đất đã bị rơi vào tay Trung Quốc. Trước những bài học ở ngay gần Việt Nam như vậy, những người có trách nhiệm trước hết phải nhìn ra, ngay cả vốn tư nhân cũng phải ngăn chặn, vì nó cũng làm gia tăng nợ nước ngoài.
Hiện nhiều nước trên thế giới như Mỹ và một số nước EU thậm chí còn cấm cửa đầu tư Trung Quốc. Việt Nam không làm thế được nhưng cần sàng lọc và có cơ chế xử lý người phê duyệt dự án kém hiệu quả, gây hệ quả xấu cho đất nước.
Theo bà Lan, Việt Nam đang phụ thuộc Trung Quốc về thương mại, hàng hóa, những cái này còn thay đổi được. Nếu phụ thuộc về vốn, bị thâu tóm doanh nghiệp, dự án chắc chắn Việt Nam khó có thể độc lập với Trung Quốc.
Trước đó, trong báo cáo Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại (ODA) và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cũng đề nghị cân nhắc việc vay vốn từ Trung Quốc trong thời gian tới.
Khuyến nghị của Bộ KHĐT xuất phát từ thực trạng nguồn vốn ODA Trung Quốc là các khoản vay kém ưu đãi, lãi suất cao hơn so với các nhà tài trợ khác. Đặc biệt, đây là các khoản vay có điều kiện, thường là chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc thường xuyên chậm tiến độ, không bảo đảm chất lượng, tăng tổng mức đầu tư…
Chia sẻ trên Đất Việt, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh từ Học viện Tài chính nhận định những cảnh báo trên có phần muộn màng nhưng cũng là một điều may.
“Khuyến nghị này đáng ra phải có từ lâu, nhưng ít ra nó cho thấy đã chính thức có cơ quan quản lý nhà nước lưu ý về việc phải cẩn trọng khi vay vốn ODA từ phía Trung Quốc. Điều đó rất quan trọng, bởi từ đây Việt Nam sẽ giảm thiểu những khoản vay dễ dãi, dễ dàng bị kéo dài tiến độ, đội vốn, không hiệu quả cho nền kinh tế như trước đây”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhận xét.
(Tổng hợp)