Lựa chọn tốt nhất giúp Trung Quốc giảm thiểu thiệt hại trong cuộc chiến thương mại với Mỹ là chấp nhận thua cuộc trước Tổng thống Donald Trump, theo ý kiến của 1 chuyên gia.
Trung Quốc đang bị bỏ rơi?
Có thông tin cho rằng Trung Quốc đang tìm cách bắt tay với Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia khác để trả đũa chính sách thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, theo chuyên gia nghiên cứu độc lập Xu Yimiao, chiến lược này của Trung Quốc có vẻ không hiệu quả.
Ngày 26/7, EU và Mỹ đã đạt một thỏa thuận thương mại quan trọng. Trước đó, ngày 15/7, trên trang Twitter, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã đăng tải dòng trạng thái: “Nước Mỹ và EU là bằng hữu thân thiết.”
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans khẳng định: “Người Châu Âu và châu Mỹ gắn kết bởi lịch sử và những giá trị chung.”
Thêm vào đó, EU và Nhật Bản vừa ký kết bản thỏa thuận thương mại lớn nhất từ trước đến nay vào 16/7.
Trong tuần này, các quan chức thương mại của Mỹ và Nhật cũng đã nhóm họp để thảo luận các vấn đề về thương mại.
Mới đây, còn xuất hiện một số thông tin cho rằng các quan chức Mexico đã bắt đầu lạc quan khi thỏa thuận Tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) sớm được ký lại. Có vẻ như chỉ có Trung Quốc là quốc gia lớn duy nhất không cho thấy bất cứ tiến bộ nào.
Liên quan đến cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc vẫn đang tìm cách trả đũa Mỹ bằng việc áp đặt các mức thuế quan. Tuy nhiên, theo chuyên gia Xu, điều này rõ ràng không hiệu quả.
Về lý thuyết, Mỹ hoàn toàn có thể áp thuế lên tới 505 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc như tuyên bố, tương đương với tổng giá trị hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2017. Trong khi đó, Bắc Kinh chỉ nhập khẩu 130 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ nên rất khó để Trung Quốc phản đòn theo kiểu ăn miếng trả miếng.
Trung Quốc phụ thuộc Mỹ về kinh tế
Chuyên gia Xu cho biết tại Trung Quốc đang dấy lên một làn sóng tranh luận gay gắt về cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung. Nhiều học giả và nhà nghiên cứu chính sách cho rằng sự phát triển của kinh tế Trung Quốc trong 40 năm qua phụ thuộc nhiều vào việc quốc gia đông dân nhất thế giới được hòa nhập vào nền kinh tế toàn cầu do Mỹ và các đồng minh điều hành.
Chính vì vậy, hiện tại không phải là thời điểm phù hợp hoặc vẫn còn quá sớm để Trung Quốc có thể thiết lập một hệ thống khác thay thế hệ thống kinh tế thế giới hiện hành.
Chuyên gia Xu Yimiao cho rằng Trung Quốc còn rất lâu mới có thể đủ sức cho một cuộc đối đầu kinh tế với Mỹ bởi Bắc Kinh còn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của nền kinh tế lớn mạnh nhất thế giới và Trung Quốc sẽ chỉ làm tổn thương chính mình nếu tiếp tục giữ lập trường cứng rắn. Vậy nên, thay vì đấu đá trực tiếp với Mỹ, Trung Quốc nên tập trung phát triển và cải cách kinh tế trong nước.
Cũng theo ông Xu Yimiao, Trung Quốc có thể đã có những nước cờ sai lầm từ cách đây vài tháng khi đưa ra những đòn đáp trả nhưng lại đánh giá thấp quyết tâm của Tổng thống Trump trong chính sách thương mại. Những tính toán nhầm lẫn này có thể sẽ buộc Bắc Kinh phải thuyết phục người Mỹ quay trở lại bàn đàm phán giống như cách mà châu Âu, Nhật Bản và Mexico đang làm.
Tuần trước, một số nguồn tin cho rằng các nhà chức trách Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu có các cuộc đàm phán để tìm cách khởi động lại đối thoại. Tuy nhiên, ngay sau đó, thông tin Mỹ đề xuất tăng thuế suất đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% tràn ngập trên các mặt báo quốc tế.
Điều này cho thấy thực tế rằng ngay cả khi Bắc Kinh sẵn sàng ngồi xuống nói chuyện và nhượng bộ, không chắc Washington chấp nhận.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh phải nhận ra rằng nói chuyện với các thành viên nội các như Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin không thể hiệu quả như đàm phán trực tiếp với Tổng thống Trump.
Để thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay, Trung Quốc cần phải thương lượng trực tiếp với Tổng thống Trump, tìm hiểu ông ấy cần gì để tuyên bố chiến thắng và tạo điều kiện cho điều đó.
Theo ông Xu, đương nhiên, việc chấp nhận thất bại trước Washington sẽ khiến Bắc Kinh phải xấu hổ, nhưng nó là lựa chọn tốt nhất để Trung Quốc ngăn chặn thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến thương mại lịch sử này.
Vỹ An