Đánh giá về chiến thuật “xử lý” Trung Quốc của Tổng thống Trump, chuyên gia kinh tế Việt Nam cho rằng ông chủ Nhà Trắng là một người rất khôn ngoan khi ông đánh giá đối thủ thực sự hiện nay của Mỹ là Trung Quốc chứ không phải Nga.
Liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang có dấu hiệu leo thang căng thẳng, PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng đây là cuộc chiến tổng lực, không đơn thuần về thương mại. Cuộc chiến này sẽ còn kéo dài và lan chuyển sang các cuộc chiến tranh tài chính, tiền tệ.
Chia sẻ trên Báo Đất Việt, chuyên gia này cho rằng việc ông Trump muốn “xử lý” Trung Quốc là vì nước Mỹ đã bị thiệt nhiều quá, thiệt đủ đường, không chỉ về thâm hụt thương mại. Toàn bộ chính sách của Mỹ đã bị Trung Quốc lợi dụng và Bắc Kinh đã trở nên giàu có đáng kể.
Theo TS. Lê Cao Đoàn, ông Trump nhận thấy rõ vấn đề rằng nước Mỹ cần phải thay đổi và nước Mỹ muốn mạnh lên thì cần có sự công bằng ra sao.
Trước những ý kiến cho rằng “khai hỏa” chiến tranh thương mại với Trung Quốc đồng nghĩa với việc Tổng thống Trump trở về chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc, TS. Đoàn cho rằng thực tế không hoàn toàn như vậy. Ông Trump muốn thay đổi trật tự thế giới và mọi người phải phục vụ sự phát triển của nhân loại. Trong khi đó, để phục vụ nhân loại cần phải có một thị trường tốt và sòng phẳng, các nhà nước ngồi được với nhau để đàm phán, giải quyết các vấn đề kinh tế cũng như những quan hệ khác. Đương nhiên, để lập lại được trật tự như ông Trump mong muốn vẫn còn một chặng đường rất xa.
Ngoài ra, chuyên gia Lê Cao Đoàn còn cho thấy sự khôn ngoan của Tổng thống Trump khi nhằm vào Trung Quốc, chứ không phải Nga.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin diễn ra trong tháng 7, nhiều ý kiến chỉ trích ông chủ Nhà Trắng tỏ ra nhượng bộ trước lãnh đạo Nga. Tuy nhiên, chuyên gia Lê Cao Đoàn đặt câu hỏi ngược lại: “Tại sao một người khôn ngoan, lõi đời như ông Trump lại tỏ ra khờ khạo trước ông Putin? Đó là vì ông Trump đánh giá, đối thủ thực sự hiện nay của Mỹ là Trung Quốc chứ không phải là Nga”.
Theo vị chuyên gia này, xét tương quan lực lượng về quân sự và kinh tế, Mỹ hoàn toàn bỏ xa Nga. Do đó, mục đích thực sự của cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa Trump và Putin là muốn dàn xếp một câu chuyện, đó là tương quan lực lượng. Rõ ràng, trước tình cảnh Nga thân thiết, bắt tay với Trung Quốc, Tổng thống Trump phải kéo một nước ra xa để dễ dàng đối phó với nước còn lại.
Có thể thấy, những năm qua, Trung Quốc đã mạnh lên rất nhiều nhờ lôi kéo sự tham gia của nhiều quốc gia vào sáng kiến “Một vành đai, một con đường”. Trong khi đó, đằng sau sáng kiến này, Trung Quốc cho đi 1 thì lấy về 10.
Chuyên gia Lê Cao Đoàn cho rằng, với một người như ông Trump, đương nhiên không thể chấp nhận chuyện này và muốn lập lại trật tự để ai muốn giàu có thì phải nỗ lực, chấp nhận luật chung như nhau, đó là ngang giá, công bằng. Việc giải quyết các vấn đề phải dựa theo luật lệ của thế giới, không có chuyện gian lận, ăn cắp bản quyền.
Cũng theo vị chuyên gia này, trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, ban đầu Trung Quốc tỏ vẻ rất tự tin nhưng hiện tại đã có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền Bắc Kinh bắt đầu run tay, không biết “đấu” thế nào trước những đòn tấn công liên tiếp của Tổng thống Trump. Vấn đề chính là ở tương quan lực lượng và xu thế phát triển cho phép quốc gia ấy hành động thế nào.
Tất nhiên, khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung diễn ra, các nước trên thế giới bị ảnh hưởng nhiều, nhưng bao giờ trong “nguy” cũng có “cơ”. Bên cạnh đó, về lâu dài, các nước sẽ bị thiệt hại lớn nếu tiếp tục đi ngược chiều hướng của sự phát triển và không nâng cao được năng lực thật sự của mình.
Vỹ An