“Bỏ thằng Hóa này đi nuôi người ta lấy tiền thì lương tâm của dì không cho phép” – bà Năm nói về cơ duyên gắn bó với chàng trai “người dưng nước lã” được bà thương yêu, chăm sóc bấy lâu nay.
Tới Bệnh viên Điều dưỡng và Phục hồi chức năng quận 8 (TP. HCM) tìm “má Năm” thì từ người bệnh đến chị bán xôi trước cổng ai cũng biết. Nói về má Năm, ai cũng tỏ sự kính trọng tới người phụ nữ có gương mặt phúc hậu nuôi không công chàng trai liệt tứ chi.
Anh Nguyễn Viết Hóa (36 tuổi, Bình Phước) chia sẻ với VnExpress, nhà anh có 3 anh em trai đều bị tai nạn. Anh hai mất lúc 21 tuổi, anh ba bị cây đập dập não. Anh Hóa là trụ cột trong gia đình. Bi kịch bất ngờ ập đến vào năm 2015, khi anh Hóa bị ngã cây. Qua cơn thập tử nhất sinh, anh tỉnh lại nhưng không thể điều khiển được tay chân.
Vợ anh không lâu sau đó đã ly dị rồi lấy chồng khác, bỏ lại đứa con trai nhỏ. Mẹ mất, ba phải chăm sóc anh trai, Hóa nằm liệt giường không người thân giúp đỡ. Mỗi ngày mở mắt ra là chìm vào vô vọng, Hóa tự tử nhưng không thành.
Nằm mãi không lật và nhúc nhích, cơ thể Hóa sinh ra lở loét, bốc mùi hôi thối. Hơn một năm trước, chị ruột đưa anh lên Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng chữa trị. Nhưng sau đó vì lý do cá nhân, chị của anh cũng không thể ở lại chăm sóc.
Trong lúc bi kịch đời Hóa đến đỉnh điểm, chợt chuyện cổ tích xuất hiện. Bà Năm (68 tuổi, ở Trà Vinh) quyết định nhận nuôi Hóa, xem anh như con trai ruột, hàng ngày lo ăn uống, đi vệ sinh và tắm rửa.
“Lúc đó, tôi làm gì có tiền để thuê người chăm sóc và đóng viện phí, đang tính về nhà thì gặp dì Năm. Bệnh này tay chân đâu cử động được, vệ sinh không tự chủ, dì Năm xắn tay làm hết cho tôi. Tiền nằm viện eo hẹp, dì cũng xin cơm từ thiện cho tôi ăn, còn xin người này người kia giúp đỡ tôi. Dì coi tôi như con. Nếu không gặp dì, tôi cũng không biết đời mình giờ ra sao. Mẹ ruột tôi chết đã bảy năm nay, tôi không dám tin là tôi có thể gặp được người chăm sóc cho mình như mẹ ruột” – anh Hóa nghẹn ngào nói với Báo Pháp Luật TP. HCM.
Bà Năm chia sẻ với VTV, trong cuộc sống ai cũng sẽ có những lúc lâm hoạn nạn, bàn tay nâng đỡ lúc ấy vô cùng quý giá. Như năm xưa, lúc khó khăn nhất bà cũng từng nhận được bàn tay chìa ra. Sau này, thấy ai lâm cảnh khó khăn bà cũng muốn giúp lại người ta trong khả năng của mình. Hơn nữa, từng trải qua trận ốm liệt giường nên bà thấu hiểu nỗi khổ của những người bệnh, luôn cảm thấy mình vô dụng.
“Người ta mắc bệnh đã quá đau khổ, nếu mình giúp được gì, làm cho người ta vui vẻ thì giúp. Giúp được người ta, người ta vui thì mình thấy mừng, thấy khỏe” – bà bộc bạch.
Phụ đẩy anh Hóa từ xe lăn lên giường giúp bà Năm, chị Nguyễn Thị Phượng, người nuôi bệnh có thâm niên ở bệnh viện, góp chuyện: “Hồi dì Năm chưa nuôi thằng Hóa nhìn nó gớm lắm, lở loét hôi thối, da bọc xương. Còn nay thì khiêng nó lên giường không nổi luôn vì nó mập lên nhiều. Ở đây nuôi bệnh một tháng người ta lấy cũng 9 đến 12 triệu đồng. May mà bà Năm thấy thằng Hóa bỏ không đành nên giúp. Rồi bà còn giúp người ta đi vệ sinh bất kể giờ giấc, ai cho nhiêu lấy nhiêu để mua đồ cho thằng Hóa. Bà ít khi có tiền trong túi nhưng hễ có chút ít mà thấy ai nghèo khổ là bà cho liền”.
Ráng chiều dần ngả trên đôi vai của người phụ nữ gần 70. Với má Năm, niềm vui cuối đời chỉ là ngày mai thức giấc anh Hóa nằm bên cạnh, biết mình sẽ tận tay săn sóc, ngắm anh cử động… Hay đơn giản, nghe anh gọi một tiếng má Năm, hai tiếng má Năm ngọt ngào đến rưng rưng.
30 năm làm việc thiện Bà Năm tên thật là Nguyễn Thị Thử, quê ở huyện Châu Thành, Trà Vinh, là con thứ năm trong gia đình. Đời bà Năm cũng nhiều trắc trở. Sinh ra trong nghèo khó, đến khi lấy chồng bà vẫn gặp cơ cực. Sau đám cưới chẳng được bao lâu thì chồng bà gặp tai nạn phải cắt cụt chân, đau ốm liên miên. Một mình bà gồng gánh nuôi năm đứa con. Một thân nuôi chồng con gần 30 năm, đến khi 46 tuổi, trận bệnh ập xuống khiến bà nằm liệt giường gần ba năm trời với chẩn đoán bệnh tim, loãng xương. Trong tuyệt vọng lắm, bà thầm khấn vái nếu sau này khỏe mạnh sẽ nguyện làm việc phước. Rồi phép màu đến, bà khỏe lại. Từ đó, bà Năm thực hiện lời nguyện, năng lên chùa chăm những người bệnh lúc cuối đời nương mình bên cửa Phật. |
Huyền Hương