Đại Kỷ Nguyên

Cổ đông ngoại tranh nhau góp vốn vào Vinamilk

Các mặt hàng sữa của Vinamilk hiện có mặt ở khắp các siêu thị lớn nhỏ trong nước. (Ảnh: Thanh niên)

Tại Vinamilk đang diễn ra cuộc chạy đua gia tăng lượng cổ phần nắm giữ của 2 cổ đông ngoại lớn nhất là F&N của một tỷ phú người Thái Lan và Platinum Victory của một gia tộc người Scotland.

Theo Vnexpress, F&N Dairy Investments vừa gửi thông báo đăng ký mua 14,5 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), tương đương 1% vốn điều lệ, bằng hình thức giao dịch thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn chứng khoán lên Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM.

Đây là lần thứ 7 kể từ đầu năm 2018 F&N Dairy Investments đăng ký mua cổ phiếu Vinamilk.

Trước đó không lâu, Platinum Victory – cổ đông ngoại lớn thứ hai của Vinamilk, cũng đăng ký mua 14,5 triệu cổ phiếu công ty sữa hàng đầu Việt Nam.

Trong hơn một năm gần đây, cuộc chạy đua góp vón để gia tăng tỷ lệ ảnh hưởng tại Vinamilk của F&N Dairy Investments và Platinum Victory diễn ra rất sôi nổi.

Dù cùng theo chiến lược không mua đuổi và chỉ mua với mức giá hợp lý, cả hai cổ đông này đều kiên trì khi mỗi lần không thành công lại tiếp tục đăng ký mua đúng bằng lượng cổ phần chưa mua được.

F&N Dairy là quỹ ngoại thuộc sở hữu của tập đoàn đồ uống F&N có trụ sở tại Singapore. Doanh nghiệp này được hậu thuẫn bởi tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi.

Năm 2017, thông qua 2 quỹ đầu tư F&N Dairy và F&N BEV Manufacturing, tập đoàn này sở hữu hơn 16% vốn tại Vinamilk. Sau hơn một năm miệt mài thu gom cổ phần Vinamilk trên thị trường, hiện F&N sở hữu tổng cộng hơn 20% vốn tại Vinamilk, trong đó riêng F&N Dairy nắm giữ là 17,31%.

Trong khi đó, quỹ Platinum Victory thuộc sở hữu của Tập đoàn Jardine Cycle & Carriage (JC&C), một tập đoàn đầu tư đa ngành có trụ sở tại Singapore. Tuy nhiên, JC&C chỉ là công ty con do Jardin Matheson Group (trụ sở tại Hồng Kông) sở hữu 75% vốn. Đây là tập đoàn được thành lập từ năm 1832 bởi 2 đại gia người Scotland là William Jardine và James Matheson.

Hồi giữa tháng 8 vừa qua, sau khi không mua được đủ số cổ phần mong muốn, Platinum Victory đã một lần nữa đăng ký mua thêm hơn 14,5 triệu cổ phiếu Vinamilk để gia tăng tỷ lệ sở hữu lên 11,62%. Trước đó, quỹ ngoại này đã kịp gom hơn 129.000 cổ phiếu Vinamilk, gia tăng lượng sở hữu lên 10,62% vốn doanh nghiệp.

Trong khi F&N đã tham gia vào Vinamilk từ năm 2005, Platinum Victory mới chỉ “nhòm ngó” doanh nghiệp sữa này từ cuối năm 2017.

Trước tình trạng các cổ đông ngoại miệt mài thu gom cổ phiếu, nhiều người đặt câu hỏi liệu Vinamilk có về tay nước ngoài giống như thương hiệu Sabeco hay không.

Chia sẻ trên Tri thức trực tuyến, chuyên gia đầu tư tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng việc các cổ đông nước ngoài muốn thâu tóm Vinamilk là chuyện có thể xảy ra bởi đại hội cổ đông của Vinamilk đã đồng ý mở “room” cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100%.

Hiện tại, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang là cổ đông lớn nhất sở hữu 36,01% vốn của Vinamilk. Theo kế hoạch, trong năm 2018, SCIC vẫn chưa thoái vốn thêm ở Vinamilk. Do đó, F&N và Platinum Victory sẽ tiếp tục “săn” và gom cổ phiếu hãng sữa này trên sàn chứng khoán với số lượng nhỏ.

Tuy nhiên, SCIC cho biết sẽ tiếp tục thoái vốn trong thời gian tới. Vì vậy, khả năng Vinamilk về tay nhà đầu tư ngoại giống Sabeco là hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai.

Theo báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Rồng Việt, tốc độ tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) ở Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại ở cả thành thị và nông thôn. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do sự sụt giảm nhu cầu của ngành hàng sữa, thực phẩm đóng gói và chăm sóc gia đình. Cụ thể, từ quý IV/2017 đến nay, ngành sữa đều ghi nhận mức tăng trưởng âm và đến quý II/2018 mới có dấu hiệu chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, Chứng khoán Rồng Việt đánh giá Việt Nam vẫn là một thị trường đầy tiềm năng cho các nhà sản xuất sữa nhờ dân số đông với tốc độ gia tăng dân số lớn (1,03%/năm). Bên cạnh đó, cơ cấu dân số Việt Nam khá trẻ, với độ tuổi dưới 15 chiếm 25% tổng dân số (khoảng 24 triệu dân). Đây là lứa tuổi “vàng” với nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ sữa cao nhất cả nước. Ngoài ra, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người của Việt Nam còn khá thấp, vào khoảng 15 kg/người so với các nước trong khu vực.

(Tổng hợp)

Exit mobile version