Giống Singapore (nước tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ nhất), Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội lớn trong quảng bá hình ảnh đất nước, con người, các chính sách ngoại giao, đồng thời thu hút đầu tư nếu có sự chuẩn bị tốt.
Từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ 2 sẽ tổ chức tại Hà Nội, gần như cả thế giới hướng về Việt Nam. Hàng trăm phóng viên của nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới đã sẵn sàng đến đất nước hình chữ S để thực hiện các câu chuyện liên quan đến sự kiện.
Trao đổi với báo Zing, TS. Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cho biết, đây là cơ hội vàng cho ngành du lịch Việt Nam.
Thanh Niên giới thiệu bài phân tích của TS Nguyễn Quang Trung về cơ hội và lợi thế của Việt Nam trong việc tổ chức sự kiện sắp tới, cụ thể như:
- Việt Nam đóng vai trò là chất xúc tác quan trọng cho hòa bình trong khu vực và trên thế giới.
- Tiếp cận với hàng tỷ người trên thế giới qua truyền thông.
- Quảng bá tiềm năng địa chính trị của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa mới.
- Cơ hội phát triển ngành du lịch quốc gia.
- Tăng độ tin cậy về khả năng tổ chức các sự kiện quốc tế lớn.
Trong bài phân tích của Tiến sĩ Trung có đề xuất: Nhiều cơ hội có thể trở thành rủi ro và tác dụng ngược nếu không được tổ chức tốt, ví dụ như tình trạng giao thông, sân bay tắc nghẽn; hạ tầng công nghệ thông tin không thông suốt; vấn đề an ninh cho các yếu nhân; hay các địa điểm du lịch không được tổ chức tốt để du khách đến rồi một đi không quay lại,v.v. Vì vậy để khai thác tốt những cơ hội mà sự kiện lớn này đem đến, Chính phủ cần có chiến lược tốt, với một ban tổ chức có kinh nghiệm, quy tụ nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan.
Trong cuộc trò chuyện với báo Vietnamnet, TS. Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Ngoại giao cho biết: “Trước tiên, “cái thu” nhìn thấy là thu hút đông đảo du khách, họ sẽ sử dụng cơ sở vật chất và dịch vụ của ta, qua đó thúc đẩy du lịch Việt Nam. Nhưng giá trị của “cái thu” phi vật chất mới thực sự lớn.
TS. Huân đánh giá: “Với vai trò nước tổ chức, ta không chỉ tạo điều kiện cho hai bên trao đổi, mà qua đó còn có cơ hội thúc đẩy quan hệ với hai nước”.
Hồng Hoa (tổng hợp)