Sự khởi sắc của ngành ngân hàng trong vài năm gần đây đang thu hút dòng tiền trên thị trường chứng khoán đổ vào cổ phiếu ngành này.
Theo số liệu của hãng FiinPro, cổ phiếu ngành ngân hàng đã tăng trưởng 3 con số trong vòng 5 năm qua, với mức tăng 154,1%, trong khi chỉ số chứng khoán VN-Index tăng 96,5%.
Tuy nhiên, lựa chọn cơ hội đầu tư sinh lời của nhóm “vua cổ phiếu” không đơn giản. Câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm là liệu cổ phiếu ngân hàng có còn hấp dẫn trong những tháng cuối năm 2018 và năm 2019?
Tại một hội thảo mới đây do Stoxplus tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng các ngân hàng khó để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2019, nhiều khả năng sẽ chậm lại hoặc giảm.
Tăng trưởng lợi nhuận cổ phiếu ngân hàng đang có dấu hiệu hạ nhiệt. (Ảnh: StoxPlus/FiinPro)
Tăng trưởng lợi nhuận chậm lại
Chia sẻ trên Bizlive, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho biết năm 2018 thu nhập cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) của các ngân hàng trong hệ thống sẽ đạt đỉnh bởi tất cả các ngân hàng lớn hầu hết đã trích lập xong dự phòng rủi ro của những năm 2012 – 2014.
Tuy nhiên, các ngân hàng rất khó để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng này trong năm 2019, nhiều khả năng sẽ tăng chậm lại hoặc giảm.
Dư địa tăng trưởng tín dụng của những năm tới khó tăng thêm, nhiều khả năng năm 2019 chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục giảm, các động thái cho thấy Ngân hàng Nhà nước cũng không có chủ trương duy trì mặt bằng tăng trưởng tín dụng cao.
Hơn nữa, khi chuẩn Basel II được áp dụng, một số ngân hàng phải chuyển dịch mảng kinh doanh không còn dựa chủ yếu vào tăng trưởng tín dụng. Thu nhập của các ngân hàng bớt phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng là hướng đi tốt, nhưng về mặt định tính trong ngắn hạn, số lợi nhuận thu được từ dịch vụ sẽ không cao hơn cho vay tín dụng.
Lãi suất ảnh hưởng đến lợi nhuận
Rủi ro lãi suất sẽ có tác động lớn đến lợi nhuận trái phiếu của các ngân hàng trong năm nay và dự kiến sẽ không đạt con số tốt đẹp như năm 2017.
Trong vài năm trở lại đây, việc đầu tư vào trái phiếu chính phủ đã góp phần khá lớn vào tổng thu của ngân hàng. Với bối cảnh lãi suất tăng trở lại và thực tế lợi suất trái phiếu chính phủ tăng từ 1% lên 3,89% vào tháng 9 khiến nhiều ngân hàng bị giảm nguồn thu hoặc thậm chí phát sinh lỗ.
Ngoài ra, rủi ro sẽ nằm vào việc gần 25% trong tổng số hơn 1 triệu tỷ đồng danh mục đầu tư của 19 ngân hàng hiện có kỳ hạn dưới 1 năm và 43% có kỳ hạn từ 1-5 năm. Đây có thể là yếu tố làm xói mòn lợi nhuận ngân hàng trong thời gian nửa đầu 2019 hoặc cuối năm 2019 nếu như lợi tức trái phiếu chính phủ tiếp tục giữ mặt bằng hiện tại hoặc tiếp tục tăng đáng kể trong thời gian tới.
Lo ngại tăng trưởng tín dụng “ảo”
Theo Cafef, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng đang có dấu hiệu cải thiện tốt và chủ yếu nhờ tăng trưởng tín dụng cá nhân, vốn là các sản phẩm có lợi nhuận biên cao hơn cho vay doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ thực tế còn có thể cao hơn mức bình quân 3% hiện nay.
Lý do là nhiều ngân hàng có tăng trưởng tín dụng “ảo” vào cuối quý và đặc biệt là cuối năm. Ví dụ, Techcombank có tăng trưởng tín dụng hơn 20 nghìn tỷ đồng vào một quý trong cuối năm 2017. StoxPlus lý giải có thể ngân hàng đã dùng các sản phẩm tiết kiệm để cho vay vì thực tế theo dữ liệu thì báo cáo tài chính của tất cả các doanh nghiệp lớn chỉ ra rằng không có doanh nghiệp nào có thể “hấp thụ” khoản giải ngân lớn đến như vậy trong một quý.
K.N (Tổng hợp)